5 giải pháp ngành ngân hàng cần làm để 'cứu' nền kinh tế

Thứ bảy, ngày 04/04/2020 17:49 PM (GMT+7)
Theo cách chuyên gia, việc đưa ra những chính sách hợp lý, cùng gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, mục đích sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không khi bệnh dịch được kiểm soát.
Bình luận 0

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước một đợt suy giảm lớn xuất phát từ một nguyên nhân phi kinh tế (dịch Covid-19). Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng của nền kinh tế, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Vì vậy, các chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa đã đưa ra 5 giải pháp đối với ngành ngân hàng cần làm để 'cứu' nền kinh tế bao gồm:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, thông qua đó trợ giúp thanh khoản cho hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo đó, xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 - 0,2% trong 1-2 tháng tới, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.

"Những "hỗ trợ" về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng "giảm lãi" hay "chia sẻ khó khăn" từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế. Cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp tốt, có tiềm năng nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19", nhóm chuyên gia đánh giá.

img

Các chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa đã đưa ra 5 giải pháp đối với ngành ngân hàng cần làm để 'cứu' nền kinh tế

Giải pháp thứ hai là bổ sung thêm danh mục thứ 6 về các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần trong điều 13, khoản 2, Thông tư 39/2016/TT-NHNN về Quy định hoạt động cho vay của TCTD: "Phục vụ lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch hoặc biến đổi khí hậu".

Theo các chuyên gia, hiện tại, 5 lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam chưa có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nằm trong lĩnh vực này. Cùng với đó, lãi suất trần có hiệu quả ngắn hạn và tác động trực tiếp nhất định trong một số trường hợp tại Việt Nam. Đây là một trong những công cụ tác động trực tiếp tới thị trường tín dụng, nhưng cũng cho phép các TCTD có sự linh hoạt nhất định và vai trò chủ động khi áp dụng quy định này.

Giải pháp thứ ba là NHNN tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Trong đó, lên kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô nếu mất giá của đồng tiền rơi vào 3 mức 1-3%, 3-5%, và 5-7% để có các phương án thích hợp với chính sách tiền tệ của mình, và cực đoan nhất...

Giải pháp thứ tư là các TCTD tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới trong đại dịch Covid-19, như: tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh; tăng cầu thanh toán bằng giảm phí hoặc miễn phí với các khách hàng hiện tại. Hướng dẫn cách sử dụng trên trang web hoặc qua tin nhắn cho khách hàng; tăng cường phát triển cho vay tiêu dùng với khách hàng cá nhân để kích cầu nền kinh tế; quan tâm phát triển mảng thị trường khách hàng thu nhập thấp. Đây là thị phần khách hàng rất tiềm năng ở Việt Nam, trong điều kiện 69% dân số còn chưa có tài khoản thanh toán trong ngân hàng nhưng lại có số thuê bao di động và sử dụng internet lớn...

Nhóm giải pháp cuối cùng được các chuyên gia đưa ra là các TCTD cần thống nhất và thông báo tới các doanh nghiệp "chuẩn chung" cho công cuộc "giải cứu" nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.

Theo đó, các TCTD cần công bố cụ thể và minh bạch các tiêu chí, quy trình hỗ trợ để doanh nghiệp và thị trường cùng nắm bắt được. Sự hỗ trợ từ phía ngân hàng chia làm 2 phương án. Phương án thứ nhất là gói cho vay (gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng mà các ngân hàng cam kết giải ngân và các gói khác nếu có) để hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp "sống sót" qua mùa dịch. Phương án thứ hai là "tân trang" các khoản nợ có nguy cơ "xấu" bởi dịch Covid-19, để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi, chẳng hạn như cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem