Mới đây, báo chí nước ngoài và cả trong nước đã ca ngợi hành động dũng cảm của 5 thủy thủ Việt Nam bất ngờ tấn công 6 tên cướp biển có vũ trang, giành lại được con tàu mà mình đang lao động. Những người hùng ấy vừa về đến quê nhà ở mảnh đất nắng gió Nghệ - Tĩnh. Câu chuyện đánh cướp gây xôn xao thế giới ấy đã được các thủy thủ kể lại với phóng viên NTNN vào sáng 1.12.
Gặp cướp trên Ấn Độ Dương
Nguyễn Văn Tiến (29 tuổi) và Nguyễn Văn Thủy (23 tuổi) ở xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) là anh em thúc bá với nhau. Tháng 7.2011, hai anh em cùng 3 thủy thủ ở Hà Tĩnh lên đường sang Đài Loan và đến làm việc trên con tàu Chin Yi Wen. Tàu này chuyên đánh bắt cá ở vùng biển Ấn Độ Dương, trọng tải 290 tấn, thủy thủ đoàn gồm 28 người (9 người Trung Quốc, 8 người Philippines, 6 người Indonesia và 5 người Việt Nam).
|
Tiến bị thương (ngồi giữa), Thuỷ (trái) và đội đặc nhiệm chống cướp biển của Anh. |
Ngày 3.11.2011, tàu Chin Yi Wen đang đánh bắt cá ngừ trên biển Ấn Độ Dương thì hải tặc Somalia xuất hiện.
“Lúc đó khoảng 21 giờ, chúng tôi đang ăn cơm bỗng nghe tiếng súng rộ lên, đạn nảy vào thân tàu chát chúa. Biết là cướp biển Somalia tấn công nên thuyền trưởng lệnh kéo lưới, rút câu, nhổ neo để bỏ chạy, nhưng 6 tên cướp biển đi trên một ca nô cao tốc vẫn vãi đạn như trấu vào khoang lái. Ca nô của chúng lao tới áp mạn tàu.
Những tên cướp biển da đen, mình trần, tay cầm súng, người giắt đầy lựu đạn xông lên khống chế thủy thủ đoàn. Bị bắt cóc, trước mặt những tên cướp mặt hằm hằm sát khí, chúng tôi chỉ biết im lặng, làm theo lời chúng” - Tiến nhớ lại.
Tiến kể, cả bọn cướp và các nạn nhân đều không hiểu ngôn ngữ của nhau, chỉ giao tiếp bằng vài câu tiếng Anh chuệch choạc. Chúng lục soát tất cả tư trang, đồ đạc và cướp hết đồ dùng của anh em, sau đó buộc tàu phải quay lại Somalia, kéo theo cả chiếc ca nô của bọn chúng.
Để uy hiếp, bọn cướp biển đã dùng báng súng đánh đập và nhốt 28 thuyền viên trong hầm tàu. Chúng bỏ đói chúng tôi không cho ăn. Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển, đến hải phận Somalia, nhiều người đã lả đi vì đói, khát và sợ hãi.
Ai cũng nghĩ là mình sẽ chết, không có cơ hội sống sót trở về với gia đình. Tôi nghĩ chúng bỏ đói và đánh đập như thế này kiểu gì cũng chết nên đã bàn với 3 anh em người Hà Tĩnh lên kế hoạch hành động...
Hành động
Khi thấy một tên cướp đi vệ sinh, mấy anh em Tiến bất ngờ tấn công. Các thủy thủ người Trung Quốc, Indonesia, Philipinnes thấy thế cũng phối hợp cùng anh em chúng tôi hất tên cầm súng đứng gác trên mũi tàu xuống biển.
“Nghe tiếng kêu cứu của đồng bọn, 4 tên còn lại đã cầm súng bắn xối xả về phía chúng tôi. Tôi nghĩ phen này chắc chết, nhưng cũng kịp nhận ra là chúng cứ bắn 2 viên lại dừng lại nạp đạn. Nắm được điều đó, đợi chúng bắn xong, 5 anh em tôi đồng loạt xông lên, đánh đấm túi bụi và cướp súng của mấy thằng cướp” - Tiến cười ha hả khi nhớ lại đoạn hành động như phim Mỹ này.
Có súng trong tay, nhóm thủy thủ Việt Nam lên đạn rồi hướng về phía hải tặc. Thấy vậy, cả 4 tên đều nhảy xuống biển và được một ca nô của đồng bọn ập đến giải cứu. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng vài phút. May mắn là cả 28 thuỷ thủ của tàu Chin Yi Wen không ai thiệt mạng, chỉ có một số thuỷ thủ bị thương nhẹ, riêng Tiến bị đạn bắn trúng phần mềm cánh tay trái.
Có súng trong tay, nhóm thủy thủ Việt Nam lên đạn rồi hướng về phía hải tặc. Thấy vậy, cả 4 tên đều nhảy xuống biển và được một ca nô của đồng bọn ập đến giải cứu. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng vài phút. May mắn là cả 28 thuỷ thủ của tàu Chin Yi Wen không ai thiệt mạng...
... Tiếp lời Tiến, anh Thuỷ cho hay, sau phút vui mừng đánh đuổi được bọn cướp biển, các thủy thủ trên tàu Chin Yi Wen không ai bảo ai lập tức trở lại vị trí được phân công, quay tàu ra khỏi vùng biển Somalia, đồng thời phát lệnh cấp cứu. Đúng như dự cảm của họ, chỉ khoảng 20 phút sau, qua quan sát màn hình rađa, thuyền trưởng thông báo có tàu của cướp biển đang đuổi theo. Ông ra lệnh tăng tốc tối đa và phát tín hiệu SOS liên tục.
Chạy được một lúc, các thủy thủ tàu Chin Yi Wen thấy trên bầu trời xuất hiện 2 chiếc máy bay, rồi một tàu chiến thuộc Đội đặc nhiệm chống cướp biển của Anh đến hỗ trợ. Hai chiếc máy bay liên tục quần thảo trên trời vừa chỉ đường cho tàu cá, vừa ngăn cản âm mưu tấn công trở lại của hải tặc. Sau khi chạy đến vùng biển quốc tế và chắc chắn thoát khỏi họng súng của nhóm cướp biển, tàu Chin Yi Wen đón lực lượng đặc nhiệm lên boong, được họ thăm hỏi, băng bó vết thương và giúp đỡ định vị tàu để trở về.
Ngày 27.11, sau hơn 20 ngày bị bắt rồi tự giải thoát khỏi họng súng của cướp biển, tàu cá Chin Yi Wen cập cảng Singapore. Tại đây, các thủy thủ được ông chủ người Đài Loan (Trung Quốc) đến chúc mừng rồi được phát vé máy bay và một số tư trang khác để trở về quê nhà. Chia tay, ai cũng khóc nhưng đều hẹn ngày gặp lại, cùng làm việc...
Niềm vui đoàn tụ
Hai ngày qua, xóm Mới vui vẻ, nhộn nhịp hẳn lên bởi 2 thủy thủ Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Văn Thủy đã trở về nhà an toàn. Bà con lối xóm và nhiều nơi xa hay tin kéo đến nhà Tiến, Thuỷ hỏi thăm, chúc mừng rất đông, kẻ đứng người ngồi chật kín cả 2 ngôi nhà nhỏ. Bà Hồ Thị Đệ - mẹ anh Tiến tâm sự: “Khi nghe tin nó bị cướp biển bắt, cả gia đình tôi như ngồi trên đống lửa, vợ nó khóc suốt. Nhưng lúc nghe chuyện các thủy thủ đánh trả được bọn cướp biển, tôi nghĩ chắc chắn trong đó có con trai mình. Tính nết hắn, tui biết, gan dạ và anh hùng lắm”.
|
Thuỷ và Tiến (từ phải sang) trong bữa cơm đoàn tụ gia đình. |
Tiến cho hay, trước đây, năm 2002, anh đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 2 năm, làm nghề biển. Năm 2005, anh tiếp tục đi Hàn Quốc 19 tháng, cũng vẫn bám tàu cá. Năm 2009, sau khi lấy vợ, anh lại quyết định đi nước ngoài làm việc để tích cóp ít vốn liếng làm ăn. Và ở chuyến đi này, anh đã có “cơ hội” gặp bọn cướp biển khét tiếng thế giới. Chưa biết lương thưởng những ngày làm việc vừa qua thế nào, nhưng với bà Đệ thì “hắn về được là vui lắm rồi, còn người còn của, không lo chi cả”.
Bà Nguyễn Thị Liên - mẹ Thủy xúc động: “11 giờ tối 26.11, Thuỷ gọi điện về nhà bảo đã về đến Hà Nội, tôi mừng đến lặng người, cứ thế nước mắt chảy tràn. Từ khi nghe tin con bị hải tặc bắt rồi đánh nhau, tôi không đêm nào ngủ được. May mà nó đã trở về. Tui sinh được 5 đứa con, Thuỷ là thứ 2, bố nó bị bệnh mất năm 2010. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã chạy vay mượn được ít tiền cho con đi xuất khẩu lao động, những mong có chút lương giúp các em ăn học... Con về thì tui mừng, nhưng cũng lo nợ chưa trả được”.
Chiều 1.12, trao đổi qua điện thoại, 3 thuỷ thủ quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là Dương Văn Mãi, Nguyễn Giang San, Nguyễn Văn Tĩnh cũng thông báo đã về nhà an toàn. Anh Tĩnh (xã Kỳ Xuân) cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị ra Hà Nội để hỏi công ty xuất khẩu lao động về vấn đề lương. Từ hôm đi tàu đến giờ đã 4 tháng nhưng 5 người chúng tôi chưa ai nhận được đồng lương nào”.
Tiến Dũng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.