iCloud là dịch vụ đám mây trên nền Internet để đồng bộ hóa dữ liệu giữa iPhone, iPad và các thiết bị chạy Mac OS, iOS của Apple nói chung. Khi sở hữu một chiếc iPhone (hoặc các thiết bị Apple khác), người dùng cần đến một Apple ID để đăng ký các thiết bị của mình, đồng thời tạo ra một tài khoản iCloud để lưu danh bạ, hình ảnh, nhạc... và sử dụng tính năng khóa/tìm thiết bị khi máy bị thất lạc.
Dùng iCloud như một sự "tiến hóa", mất iCloud như một thảm họa. Ảnh: ArsTechnica
iCloud như "ổ đĩa thông minh" trên Internet và tích hợp các tính năng giúp người dùng cảm thấy dữ liệu trên iPhone, iPad, iPod, MacBook... của mình được liên thông với nhau. Mỗi người dùng iCloud được cấp 5 GB dữ liệu để lưu email, tài liệu và các file sao lưu (nhạc, ứng dụng, sách mua từ App Store và iTunes không bị tính vào).
Tuy hữu dụng, iCloud lại là con dao hai lưỡi nếu người dùng không hiểu rõ được công cụ này. Bị khóa máy, đòi tiền chuộc hay thậm chí bị lộ những dữ liệu cá nhân là những tai nạn thường gặp nhất liên quan đến iCloud.
1. Lộ tin nhắn riêng tư
Với những người dùng iPhone không quan tâm lắm đến iCloud hoặc phó mặc cho người thân, bạn bè hoặc thậm chí cửa hàng cài đặt iCloud giúp, đây là một sự chủ quan nguy hiểm. Khi iPhone của bạn dùng chung iCloud với một máy khác, phần tin nhắn iMessage rất dễ bị đồng bộ nếu không cài đặt cẩn thận. Hậu quả là toàn bộ nội dung trò chuyện qua iMessage của bạn sẽ tự động chuyển tiếp đến thiết bị của người đang dùng chung iCloud với iPhone của bạn. Tệ hơn, người đó cũng có thể mạo danh bạn để trò chuyện với những người khác trong danh bạ.
Người dùng nên chọn gửi/nhận iMessage bằng chính số điện thoại của mình thay vì dùng tài khoản email, iCloud... để tránh tin nhắn đồng bộ giữa các thiết bị dùng chung tài khoản.
Để tránh tình trạng này, người dùng hãy cố gắng xác minh lại tài khoản iCloud của mình đang sử dụng có "chính chủ" hay không. Nếu đang dùng chung với một máy khác và không muốn tin nhắn iMessage bị đồng bộ, người dùng có thể vào Settings -> iMessage -> Send & Receive. Trong mục "Start new Conversations from", người dùng hãy thay đổi từ email sang SIM di động. Bằng cách này, tin nhắn iMessage sẽ chỉ được gửi đi từ chính iPhone và máy dùng chung iCloud không thể đọc trộm được.
2. Lộ ảnh và video riêng tư
Tương tự với iMessage, hình ảnh và video cũng là hai dạng dữ liệu riêng tư dễ bị lộ nếu thiết bị của bạn dùng chung iCloud với người khác, hoặc bị kẻ gian biết được tài khoản iCloud, hoặc một thiết bị Apple khác của bạn bị thất lạc và thiết bị đó dùng chung iCloud với iPhone của bạn.
Để tránh hình ảnh và video riêng tư bị rò rỉ, người dùng cần vào Settings -> Photo & Camera và tắt bỏ tính năng Photo Stream để hình ảnh trên iPhone không tự động đồng bộ với các thiết bị khác đang dùng chung iCloud.
3. Bị theo dõi vị trí
Dùng chung iCloud hoặc để lộ có thể khiến hành tung của người dùng dễ dàng bị theo dõi thông qua tính năng định vị. Đây là một "tác dụng phụ" gây ra nhiều chuyện bi hài trong cuộc sống của những người dùng iPhone. Chẳng hạn, người vợ có thể biết được tài khoản iCloud trên iPhone của người chồng và dùng Find My Phone để xác định vị trí.
Trong trường hợp bất khả kháng, người dùng có thể vào Settings -> Privacy -> Location services và tắt dịch vụ định vị. Tuy nhiên, vô hiệu hóa tính năng này đồng nghĩa bạn không thể dùng được tính năng tìm điện thoại khi bị mất.
4. Bị trừ tiền oan dù không mua ứng dụng
Với những người dùng iPhone, iPad nói riêng và các thiết bị Apple nói chung đang có tài khoản Apple ID liên kết đến thẻ Visa hoặc MasterCard, việc để mất iCloud sẽ dẫn đến nguy cơ bị trừ tiền oan dù không mua ứng dụng. Khi tài khoản iCloud bị rơi vào tay kẻ gian, chúng có thể thoải mái tải các ứng dụng có phí, nhạc, phim... và toàn bộ số tiền sẽ trừ vào tài khoản của người bị hại.
Để hạn chế thiệt hại do mất tài khoản iCloud, người dùng cần kích hoạt tính năng xác thực hai lớp (Two-step verification for Apple ID) để tăng cường bảo mật khi giao dịch trên App Store và iTunes, đồng thời thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản của mình.
5. Bị khóa thiết bị từ xa và đòi tiền chuộc
Trường hợp hy hữu này từng xảy ra tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. "Kịch bản" thường gặp là một người bị mất iPhone khi máy không khóa. Kẻ gian vào được email trên thiết bị, thông báo quên mật khẩu iCloud để nhận được liên kết tạo mật khẩu mới qua email, sau đó vào iCloud và khóa những thiết bị Apple còn lại của người dùng như iPad, MacBook, iMac..., kèm theo đó là lời nhắn đòi tiền chuộc nếu không muốn những thiết bị kể trên bị khóa vĩnh viễn và biến thành "cục chặn giấy" cao cấp.
Để tránh gặp phải tình trạng này, hãy đăng ký Apple ID và iCloud bằng một tài khoản email phụ, bí mật (ít dùng đến) thay vì dùng email chính (và email này không nằm trên máy). Bên cạnh đó, người dùng cũng nên bật xác thực hai lớp trên các tài khoản email của mình. Khi bị mất iPhone, hãy nhanh chóng đến các điểm giao dịch của nhà mạng càng sớm càng tốt để vô hiệu hóa SIM cũ và làm SIM mới, tránh bị kẻ gian khai thác mật khẩu qua tin nhắn SMS.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.