5 tháng có 500 trẻ bị dính lưỡi đến khám, con có dị tật cha mẹ chỉ nghĩ "chậm nói"

Diệu Linh Thứ ba, ngày 09/06/2020 19:36 PM (GMT+7)
Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, Khoa Răng Hàm Mặt đã điều trị và phẫu thuật cho hơn 500 trẻ bị dính lưỡi, dẫn đến chậm nói, trung bình mỗi ngày có 5-10 trẻ khám dị tật này.
Bình luận 0

Thấy con 19 tháng tuổi vẫn chỉ nói được vài từ bà, mẹ... mẹ bé Nguyễn M.H (trú tại Hà Nội) đã đưa con đi khám. Chị chỉ nghĩ con chậm chạp chứ không nghĩ lưỡi con bị dị tật gì. Tuy nhiên, tại phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Trung ương), các bác sĩ chẩn đoán con chị bị dị tật dính lưỡi, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ. Bé M.H đã được chỉ định phẫu thuật. 

Tương tự, bé Nguyễn T.A (5 tuổi, Hưng Yên) dù đã lớn nhưng nói rất ngọng. Lúc đầu, chị Phương, mẹ bé T.A chỉ nghĩ con lớn lên sẽ hết ngọng nhưng đến lúc con sắp vào lớp một mà vẫn nói líu lô, chưa sõi. Chị đã đưa con đi khám và được chỉ định phẫu thuật điều trị dị tật dính lưỡi.

5 tháng có 500 trẻ bị dính lưỡi đến khám, con bị dị tật cha mẹ chỉ nghĩ "chậm nói" - Ảnh 1.

Nhiều cha mẹ thấy con 5-6 tuổi còn nói ngọng mới đưa con đi khám

Theo Ths.Bs. Đỗ Văn Cẩn – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Trung ương): "Dính lưỡi (còn gọi là ngắn phanh lưỡi) là dị tật bẩm sinh nhẹ, trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động của lưỡi bị hạn chế. Đây là một nguyên nhân mà ít người biết đến, là một dị tật bẩm sinh, làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi và ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ".

Đây là dị tật khá nhiều trẻ mắc. Tính đến hết tháng 5 năm 2020, Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và phẫu thuật cho hơn 500 trẻ dính lưỡi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 đến 10 trẻ phẫu thuật điều trị tại khoa. 

Theo bác sĩ Cẩn, trẻ bị dính lưỡi thường khó bú ở trẻ sơ sinh, khó nuốt ở trẻ ăn dặm, chậm nói, khó phát âm, nói ngọng: chủ yếu trẻ phát âm sai các phụ âm: r, kh, tr, l… Khi cha mẹ thấy con có các hiện tượng này thì sớm đưa con đi khám. 

"Hiện nay tại Khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị dính lưỡi được điều trị phẫu thuật bằng Laser không gây chảy máu, không đau sau mổ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, gia đình nên đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và chọn lựa phương pháp điều trị phục hồi chức năng ngôn ngữ hay phẫu thuật" - bác sĩ Cẩn cho biết thêm.

5 tháng có 500 trẻ bị dính lưỡi đến khám, con bị dị tật cha mẹ chỉ nghĩ "chậm nói" - Ảnh 3.

5 tháng có 500 trẻ bị dính lưỡi đến khám, con bị dị tật cha mẹ chỉ nghĩ "chậm nói" - Ảnh 4.

Một số hình ảnh dính lưỡi ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Cẩn cũng cho biết, thông thường sau phẫu thuật, tại chỗ cắt dính lưỡi thường có vết màu trắng. Đó là diễn biến bình thường sau phẫu thuật bằng laser, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng. Các hiện tượng này sẽ hết và vết tổn thương sẽ lành sau một vài tuần.

Cần theo dõi chăm sóc trẻ, không cho trẻ ngậm hoặc cắn các vật cứng để tránh chảy máu, không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng, cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Sau phẫu thuật, trẻ có thể uống sữa hoặc ăn thức ăn lỏng, mềm, nguội; Cho trẻ uống nhiều nước để làm sạch miệng; 

Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ vận động lưỡi ngay sau mổ, uốn lưỡi lên trên, thò lưỡi ra ngoài, còn trẻ nhỏ thì vệ sinh dưới lưỡi và nâng lưỡi lên trên. 

Sau khi vết thương lành cha mẹ nên hướng dẫn trẻ thực hiện vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem