Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Putin dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng trong cuộc gặp chiều 16.7
Hôm 15.7, khi đặt chân đến Helsinki, Phần Lan để chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, ông Trump cho biết, ông không đặt kỳ vọng cao cho các cuộc đàm phán với ông Putin nhưng vẫn lưu ý rằng "có thể có một số tin tốt" sau cuộc họp. Theo Fox News, có 5 vấn đề then chốt 2 nhà lãnh đạo được cho là khó lòng bỏ qua bao gồm cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Syria, vấn đề Crimea, các biện pháp trừng phạt và kiểm soát vũ khí.
Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Bộ Tư pháp Mỹ hôm 13.7 vừa công bố một báo cáo buộc tội một số nhân viên tình báo Nga tấn công các mục tiêu dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ - nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer ngày 15.7 cũng lên tiếng cáo buộc, sự can thiệp của chính phủ Putin vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và cuộc bầu cử sắp tới của nước này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ của chúng tôi. Nếu ông Trump gặp ông Putin nhưng không thể hiện sự phẫn nộ của người Mỹ và đảm bảo tiến bộ thực sự sẽ là điều tồi tệ cho Mỹ và sự an toàn cho hệ thống bầu cử của chúng ta".
Bản thân ông Trump hôm 13.7 cũng nói rằng, ông "chắc chắn sẽ hỏi" ông Putin về việc liệu Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ hay không. Đây là chuyện mà ông Putin từng phủ nhận với ông Trump trong cuộc gặp không chính thức trước đây.
Vấn đề Crimea
Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman từng khẳng định rằng, ông Trump "rất khó" để công nhận vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 của chính quyền Tổng thống Putin nhưng cũng từ chối loại trừ khả năng đó.
Bản thân ông Trump từng tuyên bố trước cuộc gặp với ông Putin rằng, nhà lãnh đạo Nga sẽ không thể sáp nhập Crimea nếu lúc đó ông đang nắm quyền. Theo đó, ông Trump cho rằng, vụ sáp nhập Crimea là "thảm họa của chính quyền Obama".
Các biện pháp trừng phạt
Trước cuộc gặp với ông Trump, ông Putin đã bật tín hiệu rằng ông muốn Tổng thống Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt với Moscow vì vụ sáp nhập bán đảo Crimea và vì Nga ủng hộ phe ly khai ở Đông Ukraine, can dự vào cuộc nội chiến Syria và vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tháng 8.2017, ông Trump đã ký một đạo luật áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Theo luật, ông Trump không thể nới lỏng nhiều biện pháp trừng phạt Nga nếu không có sự phê chuẩn của Quốc hội. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn có quyền giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt mà không cần cái gật đầu của Quốc hội.
Syria
Hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không thể bỏ qua vấn đề Syria. Ông Trump và ông Putin được cho là sẽ thảo luận về một thỏa thuận nhằm di chuyển quân Iran xa biên giới Israel-Syria và Jordan. Về cơ bản, các quan chức Nga và Mỹ đã nhất trí về một đề xuất dự kiến sẽ buộc các lực lượng Iran ở Syria phải cách biên giới Israel 45 km.
Ngoài ra, việc siết chặt áp lực lên Iran cũng được cho là ưu tiên hàng đầu của ông Trump và các cố vấn của ông tại thượng đỉnh ở Helsinki.
Kiểm soát vũ khí
Thỏa thuận vũ khí lớn giữa Nga và Mỹ là Hiệp ước START Mới 2010 sẽ hết hạn vào năm 2021. Theo đó, trong cuộc họp thượng đỉnh, ông Trump và ông Putin có thể bàn về việc gia hạn hiệp ước này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.