5 vũ khí giúp quân đội Mỹ mạnh nhất lịch sử thế giới

Đăng Nguyễn - NI Thứ sáu, ngày 10/02/2017 00:25 AM (GMT+7)
Quân đội Mỹ duy trì vị trí thống trị sức mạnh quân sự thế giới trong hàng chục năm qua, nhờ những phát minh mang tính đột phá, thay đổi cục diện chiến trường.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Theo National Interest, quân đội Mỹ là lực lượng quân sự quy mô, hùng mạnh nhất trên thế giới, đặc biệt kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thời đế quốc La Mã hay đế quốc Anh cũng chưa thể đạt đến sự thống trị so với các quốc gia đối địch như Mỹ.

Trong khi quân đội Mỹ không phải là lực lượng lớn nhất hành tinh, đội ngũ tinh nhuệ và trang thiết bị quân sự hiện đại là chìa khóa để các cường quốc khác như Nga, Trung Quốc luôn phải xếp sau.

Bí quyết cho sự thống trị này xuất hiện ngay từ khi cuộc Nội chiến Mỹ nổ ra, quân đội Mỹ khi đó đã có trong tay loại vũ khí đặc biệt để đánh tan các lực lượng châu Âu trên chiến trường.

Dưới đây là 5 loại vũ khí mang tính đột phá, giúp quân đội Mỹ duy trì sức mạnh thống trị trên thế giới, theo tác giả Dave Majumbar.

Súng đa nòng Gatling Gun

img

Mẫu súng đa nòng Gatling Gun đầu tiên.

Lần đầu xuất hiện trong cuộc Nội chiến Mỹ, Gatling Gun là loại súng bắn liên thanh đầu tiên trong lịch sử. Cuộc nội chiến Mỹ cho đến nay vẫn là cuộc chiến khốc liệt nhất với 600.000 quân nhân thiệt mạng.

Súng đa nòng Gatling Gun do tiến sĩ khoa học quân sự Richard Jordan Gatling sáng chế vào ngày năm 1861. Súng máy Gatling ban đầu không được quân đội Mỹ sử dụng do tính chất bảo thủ.

Nhưng kể từ khi Gatling nâng nâng cấp 6 nòng súng, tăng tốc độ bắn lên tới 350 phát/phút, quân đội Mỹ đã hoàn toàn choáng ngợp với loại vũ khí này. Gatling Gun lần đầu được sử dụng trong trận chiến Petersburg ở Virginia năm 1864.

Sau khi Nội chiến Mỹ kết thúc, súng Gatling đã được nâng cấp lên loại 10 nòng, tốc độ bắn 400 phát/phút. Vũ khí đáng sợ với bộ binh này được sử dụng trong nhiều cuộc đụng độ với người Mỹ bản địa.

Súng máy Maxim sau này dần dần thay thế Gatling Gun. Chỉ có một nòng nhưng tốc độ bắn của súng Maxim lên tới 550 phát/phút. Trong Thế Chiến 1, hàng hàng quân nhân đã ngã xuống vì những khẩu súng máy đáng sợ này.

Bom nguyên tử

img

Quả bom nguyên tử Fat Man Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản.

Mỹ phát minh bom nguyên tử trong giai đoạn cao trào của Thế chiến 2, trong dự án Manhattan. Dự án bắt đầu năm 1939 sau khi Ủy ban Tư vấn về Uranium nói với Tổng thống Franklin Roosevelt rằng, nguyên tố này sẽ “tạo ra quả bom có sự hủy diệt lớn chưa từng có”.

Dự án nghiên cứu được đẩy nhanh sau cuộc tấn công Trân Châu cảng của Nhật năm 1941. Đó cũng là lúc Mỹ chính thức nhảy vào Thế Chiến 2 chống phát xít. Mỹ đẩy nhanh công tác nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử cũng vì mối lo ngại rằng, Đức có thể sớm sở hữu loại vũ khí hủy diệt này.

Hai quả bom nguyên tử đầu tiên đã được Mỹ sử dụng để chấm dứt Thế chiến 2. Ngày 6.8.1945, máy bay B-29 do Đại tá Paul Tibbets chỉ huy đã thả bom nguyên tử 15 kiloton có tên Little Boy xuống thành phố Hiroshima. Vài ngày sau, quả bom nguyên tử 21 kiloton mang tên Fat Man cũng phá hủy thành phố Nagasaki.

Chứng kiến sự hủy diệt của bom nguyên tử, Nhật hoàng ra lệnh đầu hàng vô điều kiện. Thế giới kể từ đó bước vào kỷ nguyên hạt nhân.

Vũ khí dẫn đường chính xác

img

Tên lửa dẫn đường Hellfire của hãng Lockheed Martin.

Kể từ những năm 1970, một trong những lợi thế lớn nhất trong chiến tranh là khả năng đánh trúng mục tiêu chuẩn xác. Trước đó, chiến tranh chủ yếu là việc bắn một loạt đạt lớn hoặc tên lửa với hy vọng thành công.

Sự xuất hiện của các vũ khí dẫn đường chính xác đã hoàn toàn thay đổi cục diện chiến tranh.

Ví dụ điển hình là việc không quân Mỹ không kích nhà máy chế tạo vũ khí của Đức năm 1943. Trong 400 máy bay B-17 xuất kích, đa số thậm chí còn không thể đến gần được mục tiêu.

Kịch bản này vẫn được lặp đi lặp lại, khi cả phi đội xuất kích để phá hủy một mục tiêu.

Thời điểm cuối chiến tranh Việt Nam cũng là lúc Mỹ đưa vũ khí dẫn đường bằng laser vào biên chế quân đội. Cho đến năm 2015, toàn bộ chiến đấu cơ Mỹ đã được trang bị vũ khí dẫn đường bằng laser.

Loại vũ khí này không hề lỗi thời sau hơn 40 năm, nhưng nó cũng không còn đóng vai trò quan trọng như trước vì các quốc gia khác cũng đã tự phát triển được phiên bản tương tự.

Tàng hình

img

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 của Mỹ.

Trong giai đoạn 1960-1970, Liên Xô chế tạo những loại vũ khí phòng không mạnh mẽ, khiến cho không quân Mỹ phải tìm cách đối phó. Giải pháp đưa ra chính là công nghệ tàng hình, giúp cho các máy bay chiến đấu biến mất trong màn hình radar đối phương.

Trên thực tế, nhà khoa học Liên Xô Pyotr Ufimtsev mới là người đầu tiên nghĩ ra công nghệ này. Công trình của Ufimtsev kỹ sư Lockheed Marrtin, Denys Overholser tìm hiểu và cho ra mắt máy bay tàng hình thử nghiệm.

Đây chính là nguyên mẫu trở thành chiếc F-117, máy bay tàng hình đầu tiên ra mắt năm 1981.

Kể từ đó, sự phát triển công nghệ máy bay tàng hình Mỹ đạt đến một tầm cao mới. Các phiên bản B-2, F-22, F-35 đều ít nhiều có tính năng tàng hình, để chống lại các mối đe dọa dưới mặt đất.

Kết quả ngày nay là sự thống trị bầu trời của không quân Mỹ. Nhưng khoảng cách này đang ngày càng thu hẹp bởi Nga và Trung Quốc cũng đã giới thiệu các mẫu chiến đấu tàng hình riêng như T-50, J-20.

Máy bay không người lái

img

MQ-1 Predator khai hỏa diệt mục tiêu.

Khi Abe Karem sáng chế ra Gnat, phiên bản đầu tiên của sát thủ không người lái MQ-1 Predator, ông có lẽ không hề tưởng tượng được phát minh của mình đã tạo ra sự cách mạng trong chiến tranh.

Thay vì rủi ro tính mạng của những phi công dày dạn kinh nghiệm, quân đội Mỹ có thể sử dụng các máy bay không người lái tấn công mục tiêu. Lịch sử 15 năm qua cho thấy công nghệ này hết sức hữu ích và sẽ còn tồn tại trong hàng chục năm tới.

MQ-1 Predator lần đầu xuất hiện trong cuộc chiến tranh vùng Balkan những năm 1990. Tiếp sau đó là MQ-9C Reaper, khởi đầu cho môi trường tác chiến hiện đại.

Quân đội Mỹ hiện đang nghiên cứu loại máy bay cỡ lớn, có thể mang theo phi đội máy bay không người lái. Máy bay mẹ duy trì khoảng cách an toàn trong khi các máy bay không người lái tấn công mục tiêu và quay trở về an toàn.

Viễn cảnh các chiến đấu cơ cỡ lớn của Mỹ như F-15, F/A-18 Super Hornet vận hành tự động hoặc được điều khiển từ xa có thể sớm xuất hiện trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem