50 năm ngày Hải quân thắng trận đầu: Dám quyết, dám đánh

Bảo Nhi Thứ bảy, ngày 02/08/2014 06:08 AM (GMT+7)
50 năm đã trôi qua kể từ ngày đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc đất nước (2.8.1964 - 2.8.2014), trong tâm khảm các cựu chiến binh chưa một ngày nào quên trận hải chiến không cân sức nhưng đã mang lại chiến thắng giòn giã ấy.
Bình luận 0

Nhiệm vụ cảm tử

Gần chục quân nhân trên tàu 339 đánh đuổi tàu Ma-đốc (Maddox) ngày xưa giờ người còn, người mất. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản, hiện ở phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) bây giờ cũng đã ngoài 80; gần đó là nhà cựu chiến binh Đinh Xuân Tòng, nguyên chiến sĩ cơ điện tàu 339, phân đội 3 tàu phóng lôi ở khu phố Vừng, phường Vạn Sơn (quận Đồ Sơn). Mỗi năm vào dịp kỷ niệm đánh thắng trận đầu (2.8.1964 - 2.8.2014), Quân chủng Hải quân đều cử người thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh.

Những ngày này, ngôi nhà nhỏ của ông Đinh Xuân Tòng ngày nào cũng đông vui. Và câu chuyện của 50 năm trước, ông Tòng vẫn nhớ từng chi tiết. Ông kể: “Đêm 1.8.1964, chúng tôi nhận lệnh hành quân từ cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) đến Hòn Nẹ (Thanh Hóa). Trước đó chúng tôi đã được huấn luyện dài ngày tại khu vực Quảng Ninh, anh em dù không ai nói ra nhưng đều cảm nhận được chuyến hành quân này rất quan trọng, quan trọng hơn khi biết rằng phân đội 3 nhận nhiệm vụ đánh đuổi tàu Ma-đốc của Mỹ. Thực ra, so sánh về lực lượng, chúng ta yếu hơn rất nhiều. Tuy vậy, chúng tôi với quyết tâm cháy bỏng đánh đuổi kẻ thù nên không ai có suy nghĩ nào khác ngoài ý chí quyết đánh và dám đánh”.

Trưa 2.8 phân đội tàu do thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản chỉ huy vào đến Hòn Mê và được lệnh xuất kích đánh tàu Ma-đốc. Khi phát hiện ra tàu Hải quân Việt Nam đang theo sát, tàu địch dùng pháo bắn xối xả vào đội hình phân đội. “Chúng tôi phải chuyển từ đội hình hàng dọc sang mũi gọng kìm. Khi tàu 333 tăng tốc chặn địch, tàu 336 và 339 chiếm góc phải, chúng tôi bắt đầu tấn công địch bằng quả ngư lôi đầu tiên. Cùng lúc trên trời bất ngờ xuất hiện 1 tốp máy bay địch tập kích, chúng bắn vào khoang máy của tàu 339 chúng tôi. Tàu vừa thả trôi, vừa tập trung dập lửa, sửa chữa, đánh trả máy bay địch”- ông Tòng nhớ lại.

Trong cơn bão đạn như vậy nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản vẫn bình tĩnh chỉ huy tàu cơ động tránh và tìm lợi thế để đánh trả. Cuộc tập kích của địch khiến tàu 339 tổn thất khá nặng. Có người trúng đạn gãy chân, pháo thủ tàu hy sinh tại chỗ, thợ máy bị trúng đạn vào ngực. Bản thân ông Tòng bị dính nhiều mảnh đạn vào cổ, vào ngực. “Để tránh thương vong, chúng tôi phải nghi binh đập 2 quả bom khói, khói bao trùm mặt biển không còn thấy tàu đâu, cũng vì thế mà nhiều người cho rằng tàu đã bị chìm nhưng thực tế chúng tôi thả trôi tàu vừa sửa máy, vừa dùng pháo 14,5 ly bắn máy bay địch đang lao đến”. Trong lúc này, tàu 336, 333 vẫn tiếp tục lao vào tấn công và phóng ngư lôi. 3 tàu hợp lực bắn được 2 máy bay, tàu Ma-đốc bỏ chạy ra biển.

Tri ân nhiều thế hệ

Ngồi trò chuyện với ông Tòng, ông Hoàng Gia Thảo - Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Đồ Sơn khẳng định: "Những “nhân chứng sống” của 50 năm trước như ông Tòng không còn nhiều nên địa phương rất quan tâm. Sự quan tâm về tinh thần và vật chất là tấm lòng, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay”.

Với gia đình bà Lê Thị Khái, ở xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), ngày 2.8 cũng là ngày đáng nhớ của gia đình. Bà là vợ ông Lê Thành Lâm, nguyên thuyền phó tàu 333, phân đội 3 tàu phóng lôi của Quân chủng Hải quân, tham gia trận đánh xưa. Đến hôm nay, đúng ngày 2.8 bà dọn về nhà mới do đồng đội của ông Lâm xây tặng.



Cựu chiến binh Đinh Xuân Tòng
    
Chúng tôi với quyết tâm cháy bỏng đánh đuổi kẻ thù nên không ai có suy  nào khác ngoài ý chí quyết đánh và dám đánh...
 
Bà Khái kể, hết chiến tranh, ông Lâm tiếp tục theo nghiệp nhà binh. Vẫn là những ngày ông biền biệt nay đây mai đó, ít có thời gian dành cho gia đình nên cuộc sống của 3 mẹ con bà Khái chưa hết khó khăn. Nghỉ hưu chưa được bao lâu, ông Lâm về với tiên tổ, để lại cho bà cùng các con nỗi vất vả chưa dựng nổi căn nhà.

 

Điều an ủi nhất đối với bà và các con là luôn được cơ quan chồng quan tâm chu đáo. Trước kia, khi ông Lâm còn sống, Quân chủng Hải quân thường xuyên thăm hỏi động viên. Sau khi ông Lâm mất đi, nghĩa tình đó vẫn không thay đổi. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Khái, Quân chủng quyết định hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng thêm vào giúp gia đình có động lực dựng ngôi nhà mới. Vùng 1 Hải quân là đơn vị trực tiếp giúp đỡ kinh phí và đôn đốc xây dựng nhà.

Nắm chặt tay những người đồng đội của chồng trong ngôi nhà mới khánh thành, bà Khái nghẹn ngào: "Tôi mừng lắm. Mừng vì từ nay được ở trong ngôi nhà an toàn, không lo ngay ngáy mỗi lần mưa bão. Vui hơn vì đây là ngôi nhà nghĩa tình do chính những người đồng đội của chồng giúp đỡ xây dựng và được hoàn thành vào đúng dịp rất ý nghĩa của Hải quân Việt Nam”.

Tàu khu trục Ma-đốc có chiều dài khoảng 145m, rộng hơn 12m, lượng giãn nước 2.200 tấn, chở đầy tới  3.320 tấn, tốc độ 33-35 hải lý/giờ. Tàu có gần 300 tên địch với trang bị vũ khí hiện đại gồm các bệ pháo, bệ phóng bom, giàn phóng ngư lôi chống ngầm. Ngoài ra, trên boong có nhiều bệ pháo 20mm vừa bắn đối không, vừa bắn đối hải, là loại vũ khí uy hiếp lớn nhất đối với tàu phóng lôi khi tiếp cận vào vị trí phóng lôi. Radar của tàu khu trục Ma-đốc có thể phát hiện mục tiêu nhỏ ở cự ly 10-14 hải lý. Các giàn phóng bom trên tàu khu trục vừa để đánh tàu ngầm, vừa có thể dùng để đánh phá các quả ngư lôi của đối phương tiến vào tàu. 
Trong khi đó, cả phân đội phóng lôi của ta có 3 tàu (333, 336, 339) với khoảng gần 30 biên chế cán bộ, chiến sĩ, chỉ bằng 1/10 quân số của tàu Ma-đốc với trang bị vũ khí trên mỗi tàu khá thô sơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem