6 bộ phim tài liệu khắc họa rõ nhất về ngày Quốc khánh 2/9/1945
6 bộ phim tài liệu khắc họa rõ nhất về ngày Quốc khánh 2/9/1945
Thủy Vũ
Thứ hai, ngày 02/09/2024 13:30 PM (GMT+7)
Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều bộ phim tài liệu đã chuyển tải những góc nhìn của sự kiện lịch sử này.
Một trong những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, quý giá về ngày Quốc khánh 2/9 là phim tài liệu Ngày Độc lập 1945 của NSND, đạo diễn Phạm Kỳ Nam.
Ngày 2/9/1975, phim lần đầu được công chiếu. Đây là bộ phim tài liệu đặc biệt, có hình ảnh thời khắc lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, thời lượng khoảng 5 phút.
Ít ai biết rằng 5 phút tư liệu quý giá đó được một người bạn Pháp trao tặng cho Việt Nam. Bộ phim được nhóm sản xuất thực hiện trong nửa năm. Tuy nhiên, danh tính nhà quay phim lưu lại được những đoạn tư liệu lịch sử vẫn còn là ẩn số.
Phim được thực hiện nhờ những tư liệu sưu tầm ở trong và ngoài nước. Ảnh: Tư liệu
Những thước phim đen trắng quay lại cảnh đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, hát vang bài Diệt phát xít. Giọng nói ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập làm nên giá trị của bộ phim.
2. Sức sống của Bản Tuyên ngôn (2008)
Bộ phim được Trung tâm Phim Tài liệu và phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Quốc khánh 2/9. Tác phẩm là cái nhìn chân thực và đầy đủ nhất cho những ai muốn biết về hoàn cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, bao gồm cả sự kiện sáng ngày 26/8/1945.
Ngày hôm đó, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Chủ nhân căn nhà số 48 Hàng Ngang cũng được phỏng vấn trong bộ phim.
3. Tết Độc lập (2011)
Năm 2011, Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự của VTV giới thiệu bộ phim Tết độc lập của đạo diễn Nguyễn Quốc Khánh.
Cảnh mở đầu phim gây ấn tượng với khán giả, ghi lại khoảnh khắc một cậu bé được bố cho đi chơi ngày 2/9. Ngồi sau xe cậu hỏi bố: "Quê mình có nhiều Tết như Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu cả Tết Độc lập nữa… Vậy Tết nào quan trọng hơn ạ bố?".
Người bố trả lời: "Tết nào cũng để gửi gắm ước mơ nhưng Tết độc lập là cái Tết của quyền làm người. Xưa làng quê ta bị ngoại bang xâm lấn, ông bà ta ăn Tết gì cũng chả vui. Vậy nên con hãy nhớ Tết Độc lập là Tết của muôn dân, Tết của nhân sinh, nhân bản và nhân quyền…".
4. Lời khát vọng dân tộc (2012)
Lời khát vọng dân tộc là phim tài liệu nhựa màu của đạo diễn người Nga Vladimir Echourine và các cộng sự.
Phim khắc họa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những bản Tuyên ngôn độc lập từ Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo đến bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945.
5. Hồ Chí Minh - Bài ca tự do (2015)
Đây là một bộ phim kể câu chuyện cuộc đời, về sức lan tỏa tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Phim Hồ Chí Minh - Bài ca tự do thông qua một cách tiếp cận mới, đó là những ca khúc quốc tế được sáng tác dựa trên cảm hứng bất tận về Người.
Bộ phim tài liệu dài 50 phút đã nêu bật tầm vóc, ảnh hưởng của tấm gương Hồ Chí Minh đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
6. Dấu ấn Bản Tuyên ngôn (2015)
Dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2015), Đài truyền hình Việt Nam sản xuất bộ phim tài liệu đặc biệt Dấu ấn Bản Tuyên ngôn. Phim giúp khán giả hiểu một cách sâu sắc những ý nghĩa lớn lao, không chỉ mang tính lịch sử mà còn mang giá trị thời đại và tầm cỡ quốc tế của Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phim đan xen giữa hiện tại và quá khứ, ghi hình ở cả Việt Nam và Venezuela - nơi người dân dành những tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng cách mạng của Người.
Ê-kíp sản xuất vượt qua khó khăn khi tìm kiếm những hình ảnh lịch sử cách đây hàng chục năm. Bản tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có độ dài hai trang giấy nhưng lại là đề tài đã được rất nhiều nhà nghiên cứu, tác giả tìm hiểu, phân tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.