6 chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gồm nhiệm vụ trọng tâm nào?

Trang Thảo Thứ năm, ngày 17/11/2022 14:45 PM (GMT+7)
Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức Hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.
Bình luận 0

Ban hành kế hoạch thực hiện 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu

Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn thôn NTM.

6 Chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gồm nhiệm vụ trọng tâm nào? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPNT Trần Thanh Nam phát biểu điều hành hội nghị. Ảnh: Trang Thảo

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM trung ương để hoàn thành mục tiêu đề ra, hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình, thời gian qua Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện 6 chuyên đề chuyên sâu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn….

Theo đó, nội dung trọng tâm cần lưu ý khi triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025, các địa phương cần xây dựng sản phẩm theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải văn hoá, tri thức dân gian của địa phương; nâng cao chất lượng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ… Đặc biệt khuyến kích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP đặc trưng và xây dựng, hình thành các "điểm đến" để quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP.

Đối với Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, đến nay đã có 10 tỉnh thành, phố ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Đây là chương trình vấn đề mới nên các địa phương cần đặc biệt trú trọng công tác chỉ đạo thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ sở và người dân; xây dựng các mô hình thí điểm về xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử (mỗi tỉnh, thành phố xây dựng tối thiểu 01 xã  NTM thông minh) để đến 2025 tổng kết từ đó xây dựng tiêu chí cho xây dựng NTM thông minh.

6 Chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gồm nhiệm vụ trọng tâm nào? - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Bộ NNPTNT

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tại Quyết định số 05/QĐ – BCĐTW-VPĐP của Ban chỉ đạo Trung ương, cũng đã chỉ ra một số nội dung trọng tâm cần tập trung: xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng mô hình thí điểm; Triển khai ứng dụng chuyển đổi số; Tổ chức quảng bá, giới thiệu…

Về vấn đề vốn cho chương trình, ông Vi Việt Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Giám sát, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 39,632 tỷ đồng Theo đó, đã phân bổ: 30.000 tỷ đồng, bao gồm: 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3.000 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. 

Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD (tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng) từ vốn vay ADB thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Như vậy, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ thông qua phương án bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB, thì tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài so với tổng vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ và các quy định khác có liên quan..

Nhiều khó khăn, vướng mắc tại các địa phương đã được hướng dẫn và ghi nhận

Chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai, ông Phan Văn Sinh, Phó chánh Văn phong NTM tỉnh Đắc Nông cho biết: Hiện tỉnh Đắc Nông đã cơ bản hoàn thành các văn bản quy định triển khai quyết định của Thủ tướng, Trung ương. 

Tuy hiên hiện 6 chương trình chuyên đề thì UBND tỉnh Đắc Nông đang giao cho Văn phòng NTM tỉnh phụ trách 5 chuyên đề nên trong quá trình phối hợp thực hiện cũng chưa thực sự thống nhất về bản chất mặt quản lý nhà nước lại liên quan tới các sở ngành.

6 Chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gồm nhiệm vụ trọng tâm nào? - Ảnh 3.

Gian hàng OCOP tỉnh Sóc Trăng tại Hội chợ xúc tiến thương mại tỉnh năm 2022

Vấn đề thứ 2 mà tỉnh Đắc Nông cũng còn lúng túng đó là phân bổ nguồn vốn, giai đoạn 2021-2025 đã có  quyết định phân bổ vốn, nhưng khó khăn lớn nhất của tỉnh là phân bổ nguồn vốn sự nghiệp. Hiện có nhiều nội dung của 6 chương trình chuyên đề và nội dung thành phần gần giống nhau nên khi xác định nội dung để phân bổ vốn sự nghiệp cho các đơn vị sở ngành, huyện gặp khó khăn. Vì vậy ông Sinh đề xuất Trung ương nên có hướng dẫn thống nhất bộ máy điều hành và phân bổ vốn năm 2023 để các địa phương sớm triển khai.

Hay như tỉnh Sóc Trăng đang còn lúng túng trong cách làm đối với chương trình OCOP, các chủ thể mới chỉ tập trung phát triển được những sản phẩm mang tính đơn lẻ, chưa phát triển những sản phẩm từ làng nghề thành sản phẩmOCOP. Sản phẩm chưa gắn được với vùng nguyên liệu cũng như khó khăn trong việc liên kết chuỗi. Người dân chưa có kinh nghiệm trong việc làm du lịch, phát triển du lịch còn mang tính tự phát vậy nên việc sản xuất kinh doanh hay liên kết du lịch còn hạn chế. 

"Còn đối với vấn đề chuyển đổi số, tỉnh Sóc Trăng cũng chưa phát triển sâu rộng, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, hạ tầng thông tin và trang thiết bị còn hạn chế nên chưa đáp ứng được sự phát triển của chuyển đổi số." Đại diện tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.

6 Chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gồm nhiệm vụ trọng tâm nào? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hoà Bình đã chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM tại hội nghị

Tại các điểm cầu trực tuyến, đại diện Văn phòng NTM tỉnh Bắc Giang, Phú Yên, Bình Phước… cũng đã chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện nội dung môi trường, du lịch nông thôn…

Tại hội nghị Chánh văn Phòng điều phối NTM Trung ương Nguyễn Trường Sơn đã ghi nhận những khó khăn vướng mắc của địa phương và giải đáp một số nội dung trong kế hoạch triển khai 6 chuyên đề chuyên sâu. Các khó khăn vướng mắc của các tỉnh cũng không nhiều và không phải là lớn, nên Văn phòng Điều phối sẽ tổng hợp và có văn bản hướng dẫn cho các tỉnh thành trong thời gian sớm nhất. 

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTN Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần kiển tra lại các văn bản và sớm triển khai chương trình theo hướng dẫn của Trung ương để đảm bảo tiến độ, khó khăn đến đâu sẽ tiếp tục giải quyết đến nó.

Về Chương trình OCOP, Thứ Trưởng Nam đề nghị các đơn vị đọc kỹ văn bản hướng dẫn, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua. Phát triển sản phẩm OCOP là cần gắn với vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng và quảng bá sản phẩm. Đây chính là vấn đề đặt ra trong thời gian tới vì vậy đề nghị các lãnh đạo các địa phương cần quan tâm.

Đặc biệt Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh các địa phương cần phân biệt rõ Chương trình ứng dụng công nghệ số của ngành nông nghiệp khác với chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Hiện, chương trình mới chỉ xây dựng mô hình để nhân ra, lấy ý kiến của cộng đồng về chất lượng của NTM, khắc phục các vấn đề còn tồn tại, không đáng có trong thời gian qua. Phạm vi chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới chỉ áp dụng trong chương trình xây dựng NTM.

Đối với vấn đề môi trường thứ trưởng cũng chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết đó là xử lý rác ở gia đình,  điểm tập kết rác; xử lý nước thải ở cộng đồng dân cư cần triển khai như thế nào, đó mới là điều cần thiết giải quyết hiện nay.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ quan điểm rất vui tại hội nghị các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra các vướng mắc, là quán triệt tinh thần chỉ đạo là quá đúng vì các đồng chí lãnh đạo VP NTM tỉnh thành là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo vì vậy cần phải nắm rõ các nội dung, kế hoạch.

Về hoạt động văn phòng điều phối, theo thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhiệm vụ của văn phòng là nâng cao vai trò tham mưu để địa phương lựa chọn cho hợp lý các nội dung thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của mỗi vùng, miền, đơn vị… Từ đó đòi hỏi hệ thống VPĐP phải nắm chắc các nội dung của chương trình, lựa chọn phù hợp và giúp lãnh đạo, BCĐ các địa phương tổ chức hiệu quả. Cần thiết tổ chức hội nghị triển khai chương trình cho giai đoạn tại từng địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem