6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất

Thứ ba, ngày 14/09/2021 06:19 AM (GMT+7)
Trong thời gian 37 năm trị vì của mình, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng nên rất nhiều công trình vĩ đại, xứng tầm thế giới.
Bình luận 0
6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 1.

Tần Thủy Hoàng là một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa. Ảnh: Sohu

Tần Thủy Hoàng đã chấm dứt tình trạng hỗn loạn kéo dài hơn 500 năm, tiêu diệt sáu nước và thống nhất Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên vĩ đại đầu tiên trong lịch sử cho vùng đất Trung Hoa.

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ổn định giang sơn, để lại nhiều công trình "tầm cỡ" cho đời sau như Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng thế giới, lăng Tần Thủy Hoàng, cung A Phòng… Những công trình kiến trúc này hiện là báu vật văn hóa của đất nước Trung Quốc, đến nay vẫn thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Kênh Trịnh Quốc

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 2.

Kênh Trịnh Quốc đã giúp nước Tần tăng trưởng rất nhiều về kinh tế. Ảnh: Sohu

Vào thời Chiến Quốc, để làm suy yếu thế lực của nước Tần, nước Hàn đã cử Trịnh Quốc sang làm gián điệp, thuyết phục Tần Vương Doanh Chính xây dựng kênh Trịnh Quốc nhằm làm hao tổn tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên sau đó, mưu kế bại lộ, Trịnh Quốc xin tha, đồng thời khẳng định mình sẽ toàn tâm toàn ý, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó. Tần Thủy Hoàng đồng ý cho Trịnh Quốc tiếp tục.

Chỉ sau khoảng 10 năm, kênh Trịnh Quốc hoàn thành, giúp cho việc tưới tiêu dẫn nước vào Lạc Hà được hiệu quả hơn, biến Trung Nguyên trở thành một mảnh đất phì nhiêu, nước Tần tăng trưởng thực lực kinh tế một cách đáng kể.

Vạn Lý Trường Thành

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 3.

Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng thế giới. Ảnh: Sohu

Vạn Lý Trường Thành là một công trình thời cổ đại nhằm mục đích phòng thủ quân sự, được Tần Thủy Hoàng cho xây dựng sau khi ông tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Hoa.

Thời Chiến Quốc chưa có máy bay, chính vì vậy nên Vạn Lý Trường Thành rất hữu dụng trong việc chống lại quân thù, đặc biệt là kỵ binh của địch. Bên cạnh đó, sau khi xây xong Vạn Lý Trường Thành, Tần Thủy Hoàng còn cho xây dựng Tần Trực Đạo thông thẳng đến Tần Hoàng Cung, để làm đường cao tốc quân sự, thuận tiện cho việc điều binh đi các nơi một cách nhanh chóng.

Năm 1987, Vạn Lý Trường Thành được xếp vào danh sách di sản văn hóa cấp thế giới.

Cung A Phòng

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 4.

Cung A Phòng vẫn còn trong tình trạng dang dở. Ảnh: Sohu

Cung A Phòng là một tổ hợp cung điện lớn được Tần Thủy Hoàng bắt đầu cho xây dựng vào năm 212 TCN để biểu dương sức mạnh quốc gia. Tuy nhiên sau khi ông qua đời, cung điện đã không thể hoàn thành và bị Hạng Vũ đốt cháy vào năm 207 TCN.

Vào năm 1991, cung A Phòng được công nhận là khu cung điện lớn nhất thế giới. Từ năm 2002 đến 2007, nhiều tổ chức đã thực hiện các cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu thêm về cung A Phòng.

Tần Trực Đạo

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 5.

Công trình này có độ khó rất phức tạp. Ảnh: Sohu

Tần Trực Đạo được xây dựng vào năm 212 TCN, sau khi Tần Vương thống nhất Trung Quốc, nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của quân Hung Nô. Tuyến đường dài 800km, có hai nhiệm vụ chính, một là phục vụ cho việc di chuyển của Tần Thủy Hoàng, hai là thuận tiện cho việc hành quân.

Chỗ rộng nhất của Tần Trực Đạo vào khoảng 60m, bình quân từ khoảng 20m đến 30m. Tại thời cổ đại mà có thể mở thông giao lộ nhanh chóng như vậy là chuyện không dễ dàng chút nào, bởi nhiều nơi phải băng qua rừng núi. Có thể nói công trình này có độ khó vô cùng phức tạp.

Kênh Linh Cừ

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 6.

Kênh Linh Cừ nối sông Dương Tử và Châu Giang. Ảnh: Sohu

Tần Thủy Hoàng muốn mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, liền phái 300 vạn binh mã xung trận, tuy nhiên lại gặp phải vấn đề là giao thông không thuận tiện, hậu cần khó khăn, chính vì vậy nên đã hạ lệnh xây dựng kênh Linh Cừ để vận chuyển quân lương qua đường thủy.

Kênh Linh Cừ nối sông Dương Tử với Châu Giang. Đây là kênh đào lớn đầu tiên trên thế giới nối hai thung lũng sông với nhau và cho phép tàu thuyền đi lại quãng đường 2.000 km từ Bắc Kinh đến Hồng Kông, đồng thời cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Quảng Tây.

Lăng Tần Thủy Hoàng

6 công trình "đẳng cấp thế giới" mà Tần Thủy Hoàng tự hào nhất - Ảnh 7.

'Đội quân đất nung' của Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Sohu

Lăng Tần Thủy Hoàng là một trong những công trình có kiến trúc phức tạp nhất từng được xây dựng. Lăng mộ được xây trong 38 năm, chỉ đạo quy hoạch bởi Thừa tướng Lý Tư, yêu cầu đến 720.000 nhân công.

Đây có thể gọi là một 'hoàng cung' nằm dưới lòng đất, cho thấy tầm vóc hùng vĩ cùng thiết kế hoàn thiện của lăng tẩm vĩ đại nhất trong lịch sử các triều đại Trung Hoa. Nhắc đến điểm đặc biệt của lăng Tần Thủy Hoàng, không thể không nói tới đội quân đất nung nổi tiếng, được liệt vào một trong tám kỳ quan của thế giới.


Lê Phương (Sohu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem