Trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật Việt Nam nói riêng ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ thông qua các nghị quyết, luật, nghị định, quyết định, qui định, chỉ thị, đề án, chương trình được ban hành, sửa đổi…
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, đến hết 31/12/2023, Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (năm 1989), đồng thời là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (năm 2007). Với những cam kết ấy, vị trí, vai trò của người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi; luật pháp của Việt Nam cũng tiến đến gần với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật.
Theo đó, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành hẳn một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về Quyền trẻ em.
Sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị của trẻ em khuyết tật trong xã hội; thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng..
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác trẻ em khuyết tật, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” (theo Văn kiện Đại hội XIII tập 2, trang 336, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật), theo đó yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và xã hội trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc trẻ em khuyết tật.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân...
Hai là tiếp tục thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội...
Nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách nhà nước; có chính sách tăng số lượng trẻ em khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội...
Ba là phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành phối hợp chăm sóc trẻ em khuyết tật đối với các tổ chức của trẻ em khuyết tật, đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật...
Bốn là tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật theo đúng pháp luật với phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hoà nhập với cộng đồng”.
Thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng trong cả nước những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của trẻ em khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của các tổ chức của trẻ em khuyết tật.
Đầu tư nguồn lực cho các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật, khắc phục tình trạng trang thiết bị còn thiếu và cũ, đầu tư nhỏ lẻ thiếu đồng bộ, sử dụng hạn chế...
Năm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan chuyên môn trong thực hiện đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em khuyết tật. Đổi mới công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em khuyết tật. Khắc phục nạn bạo hành, ngược đãi bị lạm dụng, lợi dụng thể xác của trẻ khuyết tật phục vụ lợi ích của một người hay nhóm người trong xã hội. Thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp y tế, giáo dục, kết hợp với vận động cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc trẻ em khuyết tật. Công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chăm lo giúp đỡ trẻ em khuyết tật được đối xử công bằng, bình đẳng như những trẻ bình thường khác về mọi mặt nhất là chăm sóc sức khỏe, học tập hòa nhập cộng đồng.
Sáu là việc quy hoạch hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập và cơ sở giáo dục chuyên biệt cần sớm được nghiên cứu và hoàn chỉnh. Tạo cho trẻ khuyết tật có những sân chơi, các hoạt động dành riêng cho người khuyết tật.
Tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản liên quan đến trẻ khuyết tật trong khi những đặc điểm tâm sinh lý, kiến thức về dạng tật và mức độ khuyết tật có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng học tập của trẻ.
Tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ văn hóa. Cần mở các lớp học, khu năng khiếu, ấn phẩm văn hóa và chương trình thể thao riêng, xuất bản các tác phẩm văn hóa phục vụ độc giả là trẻ em khiếm thị, sản xuất bộ phim hoạt hình và xây dựng mô hình điểm trường năng khiếu có trẻ em khuyết tật theo học...
Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam cần lắm sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của các tổ chức, các cá nhân giúp đỡ bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng xã hội một cách tự tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.