Bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Giang Điền lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 24/12, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can đối với Lê Văn Tuấn (SN 1984), Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, Lê Kỳ Phùng (SN 1958), nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Nguyễn Huỳnh (SN 1975), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Vũ Kim Điền (SN 1977), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền, Nguyễn Đức Minh (SN 1976), nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Giang Điền bị bắt cùng tội danh.
Theo Cơ quan điều tra, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng và chưa đủ điều kiện bán đất nền tại khu B và khu C của dự án trên.
Tuy nhiên, Công ty Giang Điền vẫn trực tiếp thông qua các công ty môi giới bất động sản để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và ký kết hợp đồng bán đất nền tại dự án.
Bên cạnh đó, công ty này còn tổ chức các sự kiện với quy mô lớn, tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng, đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật về pháp lý dự án để khuyến khích khách hàng mua đất nền, xây nhà mẫu.
Đồng thời, công ty còn cam kết sau khi ký hợp đồng từ 12/24 tháng sẽ bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, sau khi các khách hàng tiến hành ký hợp đồng và thanh toán tiền cho công ty theo tiến độ mà phía công ty đã yêu cầu.
Công an xác định, từ năm 2010 đến năm 2018, Công ty CP Du lịch Giang Điền đã ký kết khoảng 1.267 hợp đồng mua bán đất nền tại dự án với các khách hàng, nhà đầu tư để thu lợi số tiền đặc biệt lớn - hơn 1.000 tỷ đồng.
Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án. Ảnh: CACC
Quy định của pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho hay, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, theo luật sư Sơn, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.