6 xã đồng thời đạt chuẩn NTM, huyện Thạch Thất tạo bước ngoặt

Hải Đăng Thứ tư, ngày 15/08/2018 13:04 PM (GMT+7)
Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Thạch Thất (Hà Nội) đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,18%. 6 xã cuối cùng của Thạch Thất đồng thời về đích NTM, tạo bước ngoặt phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2018.
Bình luận 0

Vận động linh hoạt nhiều giải pháp

Ông Nguyễn Doãn Hoàn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất cho hay, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Thạch Thất dựa vào lợi thế của các làng nghề truyền thống (cơ kim khí, mộc, chế biến lâm sản, làng nghề cổ truyền…). Toàn huyện đã nỗ lực nhân rộng nghề truyền thống và xây dựng, phát triển nghề mới nhằm chuyển đổi nghề, tăng thu nhập cho người dân.

img

Người dân huyện Thạch Thất chăm sóc rau trồng theo quy trình hữu cơ. Ảnh: Hải Đăng

"Sau 10 năm phấn đấu, Thạch Thất có 1 khu công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, 10/50 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với 1.316 doanh nghiệp và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện năm 2017 đạt 11.363.715 triệu đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 13%..." - ông Hoàn cho biết.

Theo ông Hoàn, trong quá trình đó, công tác quản lý môi trường luôn được tăng cường. Huyện đầu tư, xây dựng 23 bãi tập kết rác thải, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong ngày, đạt trên 90%, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các cụm công nghiệp, làng nghề. Huyện đã hoàn thành việc cấp nước sạch ở 10 xã, thị trấn và đang tiếp tục triển khai ở các xã còn lại.

Đặc biệt, sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, được sự quan tâm đầu tư của thành phố, đến nay, huyện đã triển khai 1.051 dự án với tổng số vốn 5.954.005 triệu đồng. Riêng 3 xã là Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân được đầu tư 735.594 triệu đồng, do đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

img

   Mô hình trồng rau hữu cơ  tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội).  Ảnh: H.Đ

Đến nay, 100% các thôn trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngoài nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng NTM, nhân dân tại đây đã đóng góp 90,073 tỷ đồng (229.623 ngày công; hiến 35.090m2 đất nông nghiệp, 987m2 đất vườn và 24.029m2 đất thổ cư) để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, giao thông nông thôn, nội đồng...

Ông Kiều Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho hay, để có được thành công trong xây dựng NTM như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ bản chất của chương trình xây dựng NTM, huy động được mọi thành phần tham gia.

Ông Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã Yên Bình (Thạch Thất) cho biết,  từ sự đầu tư có trọng điểm của thành phố và huyện, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra.

"Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 14,2% thì đến nay giảm còn 2,06%. 100% các thôn trong xã đạt danh hiệu làng văn hóa. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được nâng cao, với 10/10 thôn có đội cồng chiêng, tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh cho người dân, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" - ông Dần chia sẻ.

Phấn đấu về đích trong năm nay

img

Diện tích trồng rau hữu cơ, rau an toàn trên địa bàn ngày càng mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.Đ

Theo ông Tuấn, trong quá trình xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã triển khai bài bản và hiệu quả việc quản lý, huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt trong huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia các công trình văn hóa tín ngưỡng, đường làng ngõ xóm, hiến đất mở rộng đường thôn xóm, đường nội đồng. Cụ thể, nhân dân đã đóng góp trên 67 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, trường học và các công trình văn hóa tâm linh.

Nói về mục tiêu sắp tới, ông Tuấn cho rằng, có rất nhiều công việc huyện phải tập trung hoàn thành để đạt mục tiêu về đích trong năm 2018. Trước tiên, Thạch Thất cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ sản xuất ký cam kết và xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ môi trường làng nghề ở nơi sản xuất.

Cùng với đó, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện đạt chuẩn; rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt ở 21 xã. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy lợi thế làng nghề truyền thống sẽ là giải pháp nâng cao thu nhập và huy động tối đa nguồn lực để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem