7 năm làm lúa hữu cơ, dân Đồng Phú sống đời no ấm

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 28/05/2019 07:00 AM (GMT+7)
Gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ 7 năm, nông dân xã Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) nhận ra, cái được lớn nhất mà họ nhận được chính là một môi trường sống trong lành, không ám mùi hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm làm ra an toàn, sức khỏe được cải thiện. Và làm lúa hữu cơ cũng mang lại cơ hội cho họ khi mới đây đã có doanh nghiệp đến ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa phục vụ xuất khẩu.
Bình luận 0

Lúa thơm, ruộng sạch

Chúng tôi đến thăm Đồng Phú khi bà con nông dân nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa sau nhiều ngày chăm sóc vất vả, tiếng máy gặt rộn ràng xen lẫn tiếng nói cười của bà con khiến khung cảnh làng quê thanh bình thêm sinh động. Đứng giữa cánh đồng trồng giống lúa của Nhật Japonica trải một màu vàng bát ngát, mùi hương lúa chín, mùi cỏ dại thoang thoảng trong cơn gió mùa hè khiến cho ai cũng cảm thấy sảng khoái.

Vừa cùng người nhà chở những bao lúa mới thu hoạch về sân của hợp tác xã để doanh nghiệp thu mua, bà Dương Thị Lành ở thôn Thượng Phúc (xã Đồng Phú) hồ hởi cho biết: "Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã có 7 năm gắn bó với mô hình trồng lúa hữu cơ. Làm lúa hữu cơ tuy vất vả công chăm sóc, năng suất cũng không cao so với làm kiểu đại trà nhưng bù lại chất lượng gạo rất ngon, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, ruộng đồng sạch sẽ. Năm nay chúng tôi càng vui hơn khi doanh nghiệp về tận nơi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm".  

img

Người dân Đồng Phú thu hoạch lúa. 

Đó là vào một ngày của năm 2012, lần đầu tiên những người dân Thượng Phúc được tiếp cận với dự án sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ do tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ. "Ban đầu chúng tôi cũng ngỡ ngàng lắm nhưng các chuyên gia hướng dẫn cách làm mới theo kiểu mưa dầm thấm lâu, mỗi buổi tập huấn chỉ kéo dài một giờ với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nên bà con bắt đầu làm quen với cách làm mới" - bà Lành cho biết.

Cũng theo bà Lành, từ ngày làm lúa hữu cơ, dân Thượng Phúc chính thức chia tay với mọi loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ, đến cả bình thuốc trừ sâu cũng ít khi sử dụng. Mỗi mùa bà con làm cỏ cho lúa theo phương pháp thủ công, ủ phân chuồng làm phân bón cho lúa; chế các loại thuốc trừ sâu sinh học. Chẳng thế mà sau nhiều năm nói không với hóa chất, đồng ruộng Thượng Phúc lại nhìn thấy những loài sinh vật có ích, không khí trong lành. "Ai đã từng ăn cơm nấu từ gạo của người dân Thượng Phúc đều cảm nhận rõ sự khác biệt, thơm, dẻo và vị ngọt đậm đà" - bà Lành hồ hởi.

 Theo bà Lê Thị Hồng Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Phú, ban đầu, dự án sản xuất lúa hữu cơ được triển khai thử nghiệm chỉ với diện tích 5ha. Qua thực tế, nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa thông thường nên bà con rất phấn khởi, bảo nhau mở rộng diện tích. Kể từ đó đến nay, năm nào xã cũng duy trì diện tích hơn 20ha sản xuất lúa hữu cơ mỗi vụ.

img

Cán bộ Trung tâm Phân tích và Chứng nhật chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NNPTNT Hà Nội) lấy mẫu kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm. 

Cơ hội bất ngờ

Những kinh nghiệm dày dặn trong sản xuất hữu cơ của bà con nông dân Đồng Phú cũng đã mang lại cho họ nhiều cơ hội khi Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam đã ký kết hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân và hướng tới xuất khẩu vào thị trường khó tính là Mỹ. Có sự tham gia của doanh nghiệp nên bà con yên tâm hẳn về đầu ra, lúa thu hoạch đến đâu công ty thu mua ngay tại trụ sở hợp tác xã với sự giám sát của các bên, có kiểm tra chất lượng nhanh ngay tại chỗ. Sau đó, công ty mang lúa đến nhà máy sấy ở Hưng Yên để sấy theo quy trình kỹ thuật. 

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty Green Path Việt Nam, chia sẻ, nông dân Đồng Phú đã có nền tảng 7 năm làm lúa hữu cơ, đây chính là yếu tố thúc đẩy Green Path đầu tư tại vùng lúa hữu cơ Đồng Phú. Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, không sử dụng phân hóa học, kích thích sinh trưởng, chỉ được bón phân chuồng ủ hoai mục bằng Trichoderma, sử dụng chế phẩm bảo vệ thực vật solo organic, sản phẩm lúa thu hoạch đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

img

Người dân Đồng Phú hài lòng với mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. 

PGS.TS Mai Quang Vinh – Viện trưởng Viện Công nghệ xanh (Green Tech) – đánh giá, trong quá trình sản xuất lúa hữu cơ, các thành viên HTX Nông nghiệp Đồng Phú được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch mọi công đoạn sản xuất. Người tiêu dùng có thể truy cập, kiểm tra giám sát mọi công đoạn của quá trình sản xuất, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao uy tín cho sản phẩm.

Điều đáng ghi nhận là, dù nói không với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng vụ này, năng suất lúa vẫn đạt 170-200 kg/sào. Công ty cam kết ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con thông qua hợp tác xã với mức giá đảm bảo cho bà con có thể lãi 27-28 triệu đồng/ha. 

Công ty sẽ thu mua lúa của bà con ngay tại đầu bờ, sau đó đưa đi sấy khô, chế biến và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cạnh đó, vấn đề mẫu mã, bao bì, tiếp cận thị trường, doanh nghiệp cũng có những chiến lược quảng bá sản phẩm lúa gạo hữu cơ Đồng Phú. Sản phẩm lúa hữu cơ Đồng Phú đã được Trung tâm Phân tích và Chứng nhật chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NNPTNT Hà Nội) cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Hiện, Green Path đang làm các thủ tục để lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ.

Thời gian tới, công ty dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 45ha, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Bà Lê Thị Hồng Lan cho biết thêm, xã Đồng Phú đang gấp rút hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, trồng thêm các loại hoa ở bờ ruộng, đường làng để biến nơi đây thành một địa chỉ du lịch trải nghiệm đồng quê thú vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem