7 trường hợp không được cấp sổ đỏ tại Hà Nội năm 2023
Việt Sáng
Thứ ba, ngày 05/09/2023 11:03 AM (GMT+7)
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013 nêu rõ 7 trường hợp không được cấp sổ đỏ năm 2023 mà người dân tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần phải nắm.
Bạn đọc hỏi về trường hợp không được cấp sổ đỏ tại Hà Nội năm 2023
Bố tôi vừa lên huyện để xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất sau nhà thì được thông báo đất nhà tôi không làm được?
Tôi đang ở xa nên chưa thể về để hỏi chính quyền rõ ràng.
Tôi muốn hỏi, theo quy định, trường hợp nào người dân không được cấp sổ đỏ?
(Bạn đọc Nguyễn Xuân An trú tại Quốc Oai, Hà Nội hỏi).
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Luật Đất đai 2013 quy định rất rõ 7 trường hợp không được cấp sổ đỏ mà người dân tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần phải nắm.
Sổ đỏ hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Cấp sổ đỏ như thế nào?
Sổ đỏ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo từng thửa đất.
Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
7 trường hợp không được cấp sổ đỏ tại Hà Nội năm 2023
Một là tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai, cụ thể:
Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm.
Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng.
Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở thuộc địa phương.
Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.
Hai là người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Ba là người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bốn là người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
Năm là người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sáu là người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bảy là tổ chức, UBND cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.