70% lượng thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam nhập khẩu là từ Trung Quốc
70% lượng thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam nhập khẩu là từ Trung Quốc, Cục BVTV bàn cách thúc đẩy sản xuất trong nước
P.V
Thứ tư, ngày 24/07/2024 17:19 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam" do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 24/7/2024, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, các doanh nghiệp cần hợp tác để sản xuất các thuốc BVTV an toàn với con người, vật nuôi và môi trường.
70% lượng thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam nhập khẩu hàng năm là từ Trung Quốc
Báo cáo tại Hội nghị, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Quản lý thuốc (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật với công suất hơn 300.000 tấn/năm và sản xuất được 30 dạng thuốc.
Tuy nhiên, bà Hương cũng nêu một thực tế, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động sản xuất được các hoạt chất. Việt Nam hiện chỉ có 1 cơ sở có sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, công suất khoảng 50 tấn/năm và chỉ dùng cho tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu. Quy mô công suất hầu hết ở mức thấp; cơ sở sản xuất phân bố không đồng đều trong nước làm gia tăng chi phí vận chuyển; tỷ trọng sản xuất các dạng thuốc, dung môi yêu cầu kỹ thuật đơn giản; chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học chuyên hoá và quy mô lớn.
"Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu thuốc BVTV sang Việt Nam với tỷ lệ cao nhất, chiếm khoảng 70% lượng thuốc BVTV mà Việt Nam nhập khẩu hàng năm, sau đó đến Ấn Độ khoảng gần 20%", bà Hương thông tin.
Đáng chú ý, theo Cục Bảo vệ thực vật, năm 2020-2023, tổng lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình cả nước đang có xu hướng giảm dần, từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,21 kg/ha năm 2023.
Mặc dù vậy theo bà Hương, tồn tại lớn nhất của ngành sản xuất thuốc BVTV ở Việt Nam chính là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu hoạt chất, phụ gia; công tác nghiên cứu, chuyển giao, thử nghiệm, áp dụng khoa học công nghệ chưa bài bản, chưa làm chủ được công nghệ,..
Từ thực tế này, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ Thực Vật Việt Nam (VIPA) cho rằng, cần có định hướng cho việc gia công thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam.
Ông Sơn lấy dẫn chứng từ thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2022 lượng nguyên liệu và thành phẩm thuốc BVTV nhập khẩu có giá trị 758 triệu USD; còn trong 6 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ BVTV ( thành phẩm và nguyên liệu) đạt gần 406,25 triệu USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2022).
"Việc phát triển công nghệ gia công thuốc BVTV ở Việt Nam là rất quan trọng, cho phép chúng ta chủ động để nguồn cung ứng thuốc BVTV kịp thời cho nhu cầu trong nước, tạo được dạng thuốc thích hợp để phòng trừ sinh vật hại, bảo đảm được chất lượng thành phẩm, đáp ứng yêu cầu của công tác BVTV trong sản xuất nông nghiệp bền vững, nông sản an toàn. Trong thời gian tới, ngành thuốc BVTV Việt Nam cần phát triển các dạng gia công tiên tiến hướng dến bảo vệ sức khỏe con người và thân thiện với môi trường; trong đó, chú trọng gia công các dạng thuốc mới có nhiều ưu điểm; thay thế dần dạng các dạng thuốc cũ bằng các dạng thuốc mới", ông Sơn nói.
Đề xuất rút ngắn quá trình đánh giá, khảo nghiệm đưa thuốc BVTV mới ra thị trường
Trong khi đó, theo chia sẻ của Tổ chức CropLife Châu Á, để giới thiệu một hoạt chất thuốc BVTV mới ra thị trường, các thành viên hiện nay cần đầu tư trung bình 301 triệu đô la Mỹ và mất 12,3 năm. Nếu chỉ tính về kinh phí, thì mức đầu tư hiện nay đã tăng 25 lần so với mức của 20 năm trước.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, thời gian và chi phí dành cho các bước đánh giá an toàn và đăng ký sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thời gian và chi phí để giới thiệu một hoạt chất BVTV mới, điều này cho thấy các công ty ngày càng cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về hiệu quả, tính an toàn và mức độ phù hợp mỗi khi cho ra đời một công nghệ BVTV mới.
Xu hướng chung về sản xuất thuốc BVTV hiện nay đó là một mặt tập trung vào việc tối ưu hoá cơ chế tác động của các sản phẩm hiện có (cải thiện hồ sơ, ưu tiên giảm lượng dùng); mặt khác phát triển các cơ chế tác động mới, ít độc và thân thiện hơn với môi trường.
Một số xu hướng nổi bật khác như tăng cường tập trung vào công nghệ phối chế (cụ thể là các loại thuốc sinh học, thuốc phun bằng thiết bị không người lái - drone và tích hợp vào hệ thống nông nghiệp chính xác); cải thiện cơ chế kháng và nghiên cứu – phát triển các loại thuốc sinh học và sản phẩm lai (hybrid products).
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam cho biết, các thành viên của CropLife đang không ngừng gia tăng chi phí đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển thuốc BVTV sinh học, từ 16 triệu USD lên 26 triệu USD, tăng 62,5% so với mức của nghiên cứu trước đó.
Từ thực tế đó, ông Bảo kiến nghị cơ quan quản lý, ngành chức năng có cơ chế thúc đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm thuốc BVTV mới, trong đó có các sản phẩm thuốc BVTV sinh học vào lưu hành, rút ngắn hơn nữa quá trình đánh giá, kiểm nghiệm bởi thực tế để nghiên cứu ra được một sản phẩm mới, các tập đoàn, doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian, chi phí.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sản xuất thuốc BVTV Việt Nam là một trong những ngành sản xuất còn non trẻ và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ra đời và có hiệu lực năm 2015.
Theo ông Đạt, Việt Nam đang là một quốc gia có nhiều thế mạnh trong sản xuất thuốc BVTV như: vị trí địa lý vận chuyển sang các khu vực sản xuất nông nghiệp trong khu vực và quốc tế; số lượng tiêu thụ và sử dụng nội địa ổn định; có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp cận, làm chủ kỹ thuật và khả năng đầu tư dây chuyền trang thiết bị tiên tiến; có các cơ sở sản xuất thuốc BVTV các tập đoàn lớn của thế giới… Để thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc BVTV tại Việt Nam, các nhà quản lý, các doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi, hợp tác hướng tới sản xuất các thuốc BVTV đảm bảo chất lượng cao, hiệu quả, ít độc hại, an toàn với con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường.
Ông Đạt cũng cho biết, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học, đồng thời rà soát, loại bỏ các thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái và môi trường; đặc biệt sẽ rút ngắn quá trình đánh giá, kiểm nghiệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa các loại thuốc BVTV sinh học vào thực tế một cách nhanh nhất, thủ tục đơn giản và chi phí ít tốn kém nhất.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác công tư, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất; phối hợp với ngành chức năng, các địa phương tăng cường tập huấn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm, hiệu quả, an toàn cho con người và nông sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.