70% phản ánh của DN: Chính quyền ưu ái đất đai cho DN thân hữu, sân sau

P.V Thứ ba, ngày 17/12/2019 15:30 PM (GMT+7)
Tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát trong hai năm 2015 và 2018 cho rằng có sự ưu ái, khiến các hợp đồng, đất đai và nhiều nguồn lực kinh tế khác rơi vào tay doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh, hay doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu đều ở mức trên 70%.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI).

Dù Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đồng thời đưa quốc gia vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Song báo cáo mới đây của Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) lại cho người đọc thấy một bức tranh khác.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 30 bậc trên bảng xếp hạng của Doing Business, từ vị trí thứ 99 vào cuối năm 2013 lên vị trí thứ 69 vào cuối năm 2018, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới.

Và thực tế vừa nêu đã khiến Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phải đưa ra lời cảnh báo: “Nếu chừng nào chúng ta còn hài lòng với thể chế trung bình thì không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

Còn theo lời ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, thực tế hiện nay có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức.

Điều này được thể hiện qua con số hơn 40% doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Ngoài ra, vẫn có 58,2% doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế cũng khiến nhiều doanh nghiệp than phiền khi có 33% doanh nghiệp được hỏi cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp được khải sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh tra, kiểm tra thuế.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Trong đó cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp với 86% doanh nghiệp thể hiện quan điểm đồng ý. Thêm vào đó, 39% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn còn phổ biến.

img

Theo khảo sát của VCCI, tình trạng chính quyền ưu ái cho doanh nghiệp sân sau vẫn phổ biến. 

Câu chuyện tình trạng sân trước – sân sau, ưu ái cho doanh nghiệp thân hữu thậm chí còn đáng lo hơn. Với hai một thời gian được VCCI đưa ra khi tiến hành khảo sát là năm 2015 và 2018, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có sự ưu ái, khiến các hợp đồng, đất đai và nhiều nguồn lực kinh tế khác rơi vào tay doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh, hay doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu đều ở mức trên 70%. Năm 2015, con số này là 76,92%. Tới năm 2018, con số này giảm xuống 70,19%.

Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi cho rằng sự ưu đãi với các công ty lớn ở cả khối kinh tế Nhà nước và tư nhân đang là trở ngại cho hoạt động của bản thân doanh nghiệp cũng chiếm tới 54,84% trong năm 2018. Con số này ở năm 2015 là 56,52%.

Tựu chung những vấn đề vừa nêu, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển doanh nghiệp khi những doanh nghiệp, địa phương đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp, địa phương đi trước. Song sự chậm trễ của cải cách TTHC vẫn đang là điểm nghẽn.

“Chúng ta hay nói Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, ý muốn nói đến tài nguyên dành cho phát triển kinh tế. Nhưng hiện giờ để có thể tiếp tục phát triển, chúng ta không chỉ cần đến rừng vàng, biển bạc, mà còn cần cả thể chế kim cương. Thể chế kim cương có nghĩa là thể chế phải trong sạch, minh bạch như kim cương, và cũng phải ổn định, vững chắc như kim cương”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem