71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư, ông Chử Xuân Dũng có được xem xét giảm nhẹ hình phạt?

Quang Trung Thứ tư, ngày 26/07/2023 19:44 PM (GMT+7)
Trong vụ chuyến bay giải cứu, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội được 71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt. Vậy quy định pháp luật về việc này thế nào?
Bình luận 0

71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư, xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng

Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị cáo buộc nhận 2 tỷ đồng trong quá trình duyệt cách ly người về từ các chuyến bay giải cứu và bị viện kiểm sát đề nghị án 3 – 4 năm tù. Quá trình tòa nghị án, có 71 cán bộ, giáo viên viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông.

71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư, ông Chử Xuân Dũng có được xem xét giảm nhẹ hình phạt? - Ảnh 1.

Bị cáo Chử Xuân Dũng được 71 cán bộ, giáo viên viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Ảnh: GB

Các cán bộ, giáo viên nói trên thuộc Trường THPT Lê Lợi (Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội). Sáng 25/7, ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lá đơn là "tâm thư" của họ xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Chử Xuân Dũng đã được gửi tới TAND TP.Hà Nội.

Theo đơn của tập thể cán bộ, giáo viên trường Lê Lợi, ông Chử Xuân Dũng trong quá trình công tác luôn là: "Một thầy giáo có tâm đức trong sáng; có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng; có nhiều thành tích, đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Thủ đô".

Riêng với trường Lê Lợi, ông Dũng khi là Giám đốc Sở Giáo dục đã "dồn nhiều tâm huyết" giúp xây dựng thành công mô hình THPT công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (được công nhận tháng 10/2020).

Tập thể 71 cán bộ, giáo viên cho rằng, ông Chử Xuân Dũng có sai phạm trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Tuy vậy, họ đề nghị TAND TP.Hà Nội căn cứ "bản chất và đóng góp" của ông Dũng để khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, giúp ông: "Sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm".

Khi nào được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, có nhiều yếu tố để quyết định đến hình phạt như quy định của bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có nhiều yếu tố để quyết định đến mức hình phạt chứ không chỉ căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là một trong các yếu tố quyết định đến hình phạt, làm căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt.

Theo luật sư Thơ, khoản 1, Điều 51, Bộ luật hình sự 2015 quy định các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ…

Như vậy, có thể thấy việc bị cáo được người khác viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt không nằm trong các trường hợp được liệt kê tại khoản 1, Điều 51, Bộ luật hình sự 2015.

Tuy nhiên, luật sư Thơ cho biết, Bộ luật hình sự cũng quy định, ngoài những tình tiết đã được liệt kê trong điều khoản 1, Điều 51 thì những tình tiết khác cũng có thể được Hội đồng xét xử xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, do hội đồng xét xử quyết định nhưng phải ghi rõ trong bản án. Việc này được quy định tại khoản 2, Điều 51.

Đối với các tình tiết giảm nhẹ khác được đề cập tại khoản 2, Điều 51, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể đối với quy định này.

Trong quá trình xét xử, tòa án có thể tham khảo quy định tại mục 5, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Các tình tiết khác cụ thể như vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú.

Hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước như: Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sĩ; Người bị hại cũng có lỗi; Thiệt hại do lỗi của người thứ ba; Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo; Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản…

Như vậy có thể thấy đây là một quy định mở và trao quyền cho tòa án rất lớn, vì thế, việc 71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng có thể được tòa án xem xét ghi nhận là một tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem