Hiểu thế nào cho đúng về nguyên tắc suy đoán vô tội

Quang Trung Thứ tư, ngày 26/07/2023 14:09 PM (GMT+7)
Bạn đọc đặt câu hỏi, nguyên tắc suy đoán vô tội là gì, được quy định như thế nào trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam?
Bình luận 0

Suy đoán vô tội là gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Điều 13, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, lần đầu tiên quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội như sau: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Hiểu thế nào cho đúng về nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh 1.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Theo ông Cường, nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay, nguyên tắc này không chỉ thể hiện qua Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự mà còn là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự, đối với việc thu thập chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, Điều 15 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Theo luật sư Cường, pháp luật tố tụng về hình sự Việt Nam hiện nay đã coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, là kim chỉ nam trong việc chứng minh tội phạm. Nguyên tắc này đặt ra những đòi hỏi mà tố tụng hình sự phải đảm bảo, đó là:

Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh theo đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Nguyên tắc này chính thức thừa nhận rằng, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật tố tụng hình sự quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Việc chứng minh tội phạm, theo trình tự thủ tục luật định, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, đảm bảo quyền con người và quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Nguyên tắc cũng yêu cầu phải có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội đối với người đó.

Nguyên tắc làm tăng tính chặt chẽ trong chứng minh tội phạm

Vị chuyên gia cho rằng, quy định này rất tiến bộ, sẽ mang đến cái nhìn khách quan cho những người tiến hành tố tụng khi thực hiện các hoạt động tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, tránh những định kiến, suy luận chủ quan thiếu căn cứ đối với người bị buộc tội.

Những quy định này bổ trợ, làm tăng tính chặt chẽ trong chứng minh tội phạm và suy luận là nghi phạm không có tội cho đến khi được chứng minh bởi cơ quan tiến hành tố tụng theo trình tự thủ tục luật định.

Ngoài ra, còn có thể loại bỏ được tư duy áp đặt, chủ quan, suy đoán có tội dẫn đến việc giải quyết vụ án có thể không khách quan, gây ra oan sai cho các bị cáo.

Để đảm bảo cho nguyên tắc suy đoán vô tội được thực hiện trên thực tế, pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam còn nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình và các hình thức trái pháp luật khác trong các quy trình thu nhập chứng cứ và thực hiện các hoạt động tố tụng khác.

Lời nhận tội của bị can, bị cáo không được coi là căn cứ duy nhất để kết tội. Lời nhận tội chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.

Bên cạnh đó, bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà, chứng minh bị cáo có tội. Kết quả giải quyết vụ án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa chứ không chỉ dựa vào kết quả điều tra, truy tố của bên buộc tội.

Ông Cường nói thêm, nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc xuyên suốt, được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng hình sự chứ không chỉ áp dụng tại phiên tòa.

Bởi, mục đích của tố tụng hình sự là tội phạm phải được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Để không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, việc chứng minh tội phạm đòi hỏi phải thận trọng, khách quan của những người tiến hành tố tụng và phải dựa trên khoa học pháp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem