8 năm làm Tổng thống Mỹ, Obama thành công hay thất bại?

Đăng Nguyễn - BBC Thứ tư, ngày 11/01/2017 18:55 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10.1 đã có bài phát biểu chia tay trước khi rời Nhà Trắng, để lại những di sản gây tranh cãi cho người kế nhiệm Donald Trump.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

BBC mới đây đã đăng tải bài phân tích của nhà báo Anthony Zurcher về những điều ông Obama làm được và chưa được trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống.

Nhà báo Zurcher nhận định, kinh tế và môi trường là hai lĩnh vực ông Obama để lại ấn tượng nhất. Chương trình y tế Obamacare được thông qua năm 2015 đã đem lại những hiệu ứng tích cực. Nhưng chương trình này có nguy cơ chết yểu khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.

Thương mại

img

TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua là một trong những thất bại lớn nhất của ông Obama.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Obama đã dành ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thiện hai hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Tuy nhiên, những nỗ lực thông qua TPP của ông Obama đã thất bại do không nhận được sự ủng hộ của Quốc hội. Tháng 11.2016, chính quyền Obama đã đưa ra cảnh báo về các mối nguy nếu không thông qua TPP, rằng hàng triệu việc làm của người Mỹ có thể bị rủi ro nếu một hiệp định khác do Trung Quốc dẫn đầu được thực thi.

Những hy vọng cuối cùng về việc thông qua TPP và TTIP rất có thể tan biến khi ông Trump lên nắm quyền. Tổng thống Mỹ đắc cử còn tuyên bố sẵn sàng đàm phán lại về các thỏa thuận thương mại của các đời tổng thống trước, như Hiệp định Thương mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA).

Việc ông Trump hứa áp đặt mức thuế nhập khẩu hà khắc với một số hàng hóa ngoại nhập được cho là sẽ đi ngược lại các cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Quan hệ quốc tế

img

Thế giới ngày càng trở nên bất ổn với những chính sách đối ngoại của ông Obama, đặc biệt đối với khu vực Trung Đông.

Ông Obama sẽ rời Nhà Trắng với hai thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao, bao gồm hiệp định hạt nhân với Iran và việc bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Bất kể những lời tranh cãi, hai thành tựu này phản ánh sự ấm lên trong quan hệ của Mỹ với hai quốc gia từng là đối thủ trong một thời gian dài. Ông Obama cũng giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử khi rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan.

Ở những vấn đề khác, chính sách của Tổng thống sắp mãn nhiệm khiến quan hệ Mỹ với các cường quốc bị tổn hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Obama “tái khởi động” quan hệ Nga-Mỹ bằng việc trừng phạt hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Nga và những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2010 đã lan ra khắp khu vực Trung Đông. Cuộc nội chiến Syria suốt 6 năm qua và tình trạng bất ổn ở Iraq đã tạo cơ hội cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)  trỗi dậy. Cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 cũng khiến châu Âu chấn động.

Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống sắp mãn nhiệm không thể ngăn cản tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

Theo nhà báo Zurcher, không thể đổ lỗi cho những bất ổn toàn cầu hoàn toàn là do chính sách của ông Obama. Nhưng những bất ổn này đã để lại dấu ấn vĩnh viễn trong hai nhiệm kỳ của ông.

Để giải quyết rắc rối về ngoại giao dưới thời Obama, người kế nhiệm Donald Trump nhắc đến sự thay đổi trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông, trong cuộc chiến chống khủng bố và cải thiện quan hệ với Nga.

Đó là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ để lại dấu ấn khác hẳn với chính sách ngoại giao của ông Obama hiện nay.

Chính trị

img

Đảng Dân chủ đang trở nên yếu thế nhất kể từ khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009.

Năm 2009, khi ông Obama lên nắm quyền, đảng Dân chủ chiếm đa số ghế trong Quốc hội và kiểm soát 29/50 ghế Thống đốc bang. Kể từ đó, tầm ảnh hưởng của đảng Dân chủ suy giảm rõ rệt.

Hạ viện rơi vào tay đảng Cộng hòa năm 2010, Thượng viện chịu chung số phận năm 2014. Hiện đảng Dân chủ chỉ còn nắm ghế Thống đốc ở 16 bang. Tình cảnh càng trở nên khó khăn hơn khi đảng Cộng hòa kiểm soát 32 cơ quan lập pháp cấp bang. Đảng Dân chủ chỉ còn chiếm đa số ở 12 bang.

Nếu không cải thiện tình hình ở các bang quan trọng như Pennsylvania, Ohio, Michigan hay Wisconsin vào năm 2020, các cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ đưa ra những thay đổi cơ bản, khiến cho việc giành lại Hạ viện của đảng Dân chủ trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong ít nhất một thập kỷ tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem