2013 người đã diễu hành trên một con đường dài 2013m để chào mừng sự kiện Việt Nam đón nhận công dân thứ 90 triệu. Người cha, thanh niên nghiêm túc ngập ngừng gượng gạo nói “Con gái con trai con nào chả là con”.
Và thật hãnh diện, lần đầu tiên, Việt Nam được nhắc tới như một “cường quốc”, về dân số.Tất nhiên, 90 triệu là một con số, nhưng cũng chỉ là một con số trong biên niên sử dân tộc. Còn vì sao phải diễu hành, phải ăn mừng, thật khó để giải thích, lại càng khó để thuyết phục.
Chúng ta có gì ở 2 chữ cường quốc?
Một cơ cấu "dân số vàng” tăng nhanh chóng tỷ lệ nghịch với năng suất lao động vẫn ì ạch rớt xa đâu đó, đang tiềm ẩn nguy cơ biến dân số vàng hôm nay trở thành một gánh nặng khi trở thành “dân số già” chỉ trong một vài thập kỷ tới.
Nguồn nhân lực khổng lồ với 69% dân số đang trong độ tuổi lao động, bên cạnh tỷ lệ lao động qua đào tạo trên cả nước khá thấp: Nam giới là 17,4%, nữ giới là 13,7%, đang khiến cơ hội sống, thực chất chỉ là việc xuất khẩu mồ hôi hoặc ra nước ngoài hoặc tại chỗ với giá rẻ.
Từ vị thế cường quốc đứng thứ 14 thế giới về dân số để nhìn các cuộc diễu hành ăn mừng với đồng phục và súng lệnh, không khó để thấy rằng thế mạnh luôn chỉ ở dạng tiềm năng, chưa bao giờ khai thác được. Trong khi, nguy cơ thì nhãn tiền trước mắt.
Nhớ hôm trước, ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã làm cả hội trường lặng đi khi rành rọt công bố con số: “Mỗi người dân đang gánh 826,4 USD nợ công”.
Một em bé sinh ra, trộm vía, thật khó đoán định sẽ thành một công dân san sẻ gánh nặng nợ công nếu trong tương lai trở thành một người tạo ra của cải vật chất hay ngược lại, sẽ là yếu tố tăng thêm nợ công khi kéo trăm thứ phải lo. Từ một ngôi nhà, một mái trường, một chiếc giường bệnh, cho đến một tương lai - điều mà một quan chức ngành dân số cũng phải thừa nhận là “một bài toán lớn”.
Cùng thời điểm với con số
90 triệu dân, dư luận cũng rớt nước mắt khi báo chí đưa ra công luận hình ảnh cậu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức. Mông, lưng chằng chịt những vết roi ngang dọc. Cổ, đùi, chân tay lỗ chỗ vết châm bằng điếu thuốc đang cháy. Còn “cửa sổ tâm hồn” thì tím bầm đến không thể mở được mắt.
Bạn nghĩ sao khi một đứa bé 3 tuổi đã có thâm niên 1 năm ăn xin?
Bạn nghĩ sao khi một bộ phận dân số sinh ra không phải để đi xin ăn, với ước mong đẹp đẽ trong những cái tên, đang phải sống bằng nghề ăn xin.
Chúc phúc cho
cô bé Dung, nhưng không bao giờ được phép quên những cậu bé Đức.
Xin hãy diễu hành, hãy ăn mừng hoành tráng khi nào những công dân từ lúc sinh ra đã được đảm bảo ít nhất một mái ấm, một ngôi trường, một việc làm và một tương lai.
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.