9X Phú Thọ từ bỏ lương nghìn đô rời phố lên rừng, tiết lộ thu nhập “khủng”

Hương Ly Chủ nhật, ngày 04/07/2021 04:55 AM (GMT+7)
Trong khi đa phần bạn bè chọn cuộc sống ồn ào và nhộn nhịp ở thành phố thì anh Nam lại quyết định bỏ công việc với mức lương nghìn đô để len lỏi vào rừng sâu núi thẳm, dọc dài những con suối và dõi theo từng ngọn cây để kiếm “lộc rừng”.
Bình luận 0

Từng làm nhân viên kinh doanh tại một công ty viễn thông tại thành phố với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, tuy nhiên, anh Trịnh Hoài Nam (SN 1992), trú tại xã Vụ Cầu, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) lại quyết định về quê để săn mật ong rừng, sống cuộc sống gần gũi với thiên nhiên để thỏa niềm đam mê trải nghiệm.

img

Anh Nam với công việc săn mật ong rừng.

Anh cho biết, sau những chuyến len lỏi vào rừng sâu núi thẳm, dọc dài con suối dõi theo từng ngọn cây để tìm ra những bầu mật ngọt đã cho anh nguồn thu nhập không nhỏ.

Để đảm bảo cho chuyến đi rừng hiệu quả, anh Nam cùng với người bạn đồng hành của mình là anh Hà Văn Luật, trú tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) phải chuẩn bị theo nhiều dụng cụ như balo, dao, bật lửa, quần áo, túi nilon đựng mật, đồ bảo hộ và gạo, đồ ăn khô…

Với những chuyến đi vài ngày, thợ săn ong như anh còn phải phải mang theo bạt để căng lều ngủ trong rừng. Nếu may mắn, mỗi chuyến đi có thể thu được từ 10 - 30 lít mật nhưng không may thì đi cả tuần cũng chỉ được 1-2 lít.

“Có những ngày, để lấy được mật ong rừng, tôi phải vượt qua đồi núi, đến những con dốc chênh vênh, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm để kiếm mật. Biết là công việc nguy hiểm nhưng được sống cuộc sống tự do, gần gũi với thiên nhiên cũng rất thú vị nên càng đi càng ham”, anh Nam nói.

img

Ong thường làm tổ ở trên các cành cây cao nên việc thu mật cũng rất nguy hiểm và vất vả.

Theo anh Nam, muốn tìm thấy tổ ong thì thợ ong phải có nhiều kinh nghiệm, như tìm chỗ ong hút mật, lấy nước hoặc bẫy ong. Cụ thể là làm một cái bẫy ở trên bông hoa, ong xuống lấy phấn sẽ bị nhốt trong đó, thợ ong bắt được rồi buộc một tấm nilon nhẹ mỏng đủ để ong có thể bay được và lần theo hướng ong bay về tổ.

Tuy nhiên, hiện nay đa số các thợ săn ong dùng ống nhòm để đoán định hướng ong bay. Khi tìm được tổ ong rồi, thợ săn phải mặc đồ bảo hộ, trèo lên cây cao, dùng khói để đuổi ong đi hoặc dùng tay gạt ong trưởng thành rồi dùng dao cắt tổ bỏ vào túi nilon mang xuống.

img

Nếu may mắn, mỗi chuyến đi có thể kiếm được hàng chục lít mật.

Khi khai thác, những người thợ sẽ không lấy hết tổ mà chỉ đốt khói cho ong thợ bay đi rồi cắt lấy một phần tổ để bầy ong tiếp tục xây lại tổ mới trên phần tổ còn lại. Hành trình tái tạo mật diễn ra khoảng nửa tháng.

“Những năm đầu đi lấy mật thợ ong thường dùng khói để đuổi ong nhưng cách này khá nguy hiểm dẫn đến cháy rừng vì vậy thời gian gần đây, chúng tôi chuyển sang dùng quần áo bảo hộ để săn ong. Tuy dày và gây khó chịu nhưng an toàn”, anh Nam nói.

Những chuyến đi rừng xa ở những huyện vùng cao hay các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Lai Châu… anh Nam cùng những thợ săn ong khác phải đi bằng xe máy để vào rừng. Nhiều khi vào được rừng sâu, rừng già, gặp mưa, phải đánh cá suối, cua đá rồi tìm rau rừng, cây chuối để ăn.

img

Nhiều khi trèo lên lấy mật bị ong đốt, thợ săn ong cũng phải hết sức bình tĩnh vì buông tay là ngã xuống vực sâu.

“Tôi nhớ có đêm, sau khi lấy mật xong, tôi và mọi người từ rừng trở về, do địa hình hiểm trở khiến tôi tai nạn, may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Cũng có lần bị ong rượt mà không dám chạy vì một bên là cách núi, một bên là vực sâu chỉ cần sơ suất nhỏ là phải đánh đổi cả tính mạng. Đặc biệt, có lần bị ong đốt tôi phải đi bệnh viện tiêm thuốc chống dị ứng, số tiền bán mật vừa đủ trả tiền thuốc” anh Nam nhớ lại.

Vì những khó khăn, nguy hiểm đó mà nhiều khi gia đình ngăn cản việc đi rừng nhưng chỉ cần nghỉ vài ngày, khách nhắn tin, gọi điện hỏi mua mật ong là bệnh nghề nghiệp  lại xách balo lên rừng.

img

Từ nghề săn ong và buôn bán các sản vật núi rừng, anh Nam có thể mang về thu nhập từ 30-50 triệu đồng/tháng.

Trong mỗi chuyến đi vào rừng lấy mật, anh Nam còn quay lại video về hành trình tìm ong cũng như trải nghiệm cuộc sống, thiên nhiên của người miền núi để làm kỷ niệm rồi đăng tải lên kênh Youtube Bước Chân Vùng Cao của mình, thu hút nhiều lượt người xem.

Ngoài nghề săn mật ong rừng, anh Nam còn thu mua các sản vật núi rừng mà bà con khai thác được rồi bán lại cho những người có nhu cầu. Từ nghề săn ong và kinh doanh này, anh có thể kiếm được từ 30-50 triệu đồng/tháng.

 “Những tháng ngày rong ruổi bên những cánh rừng không chỉ mang lại cho tôi và các anh em thêm nguồn thu nhập mà còn được khám phá và trải nghiệm cuộc sống hòa mình với thiên nhiên mà ít có công việc nào có được”, anh Nam bộc bạch.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem