Không còn nguồn lực để xây dựng
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của Chính phủ, huyện miền núi A Lưới đã triển khai xây dựng NTM ở 20 xã trên địa bàn. Trong đó, các xã Nhâm, Hương Phong và Hương Lâm được chọn làm xã điểm xây dựng NTM, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015, các xã còn lại đạt chuẩn sau năm 2015.
|
Nếu làm được đường nông thôn mới, việc tiêu thụ nông sản ở xã Nhâm (A Lưới) rất thuận lợi . |
Sau một thời gian triển khai, việc xây dựng NTM ở huyện A Lưới gần như vẫn… nằm trên giấy. Nguyên nhân của tình trạng này do xuất phát điểm xây dựng NTM của các địa phương trên địa bàn huyện quá thấp, các nguồn lực để xây dựng NTM vừa thiếu, vừa yếu.
Theo kết quả khảo sát, đến thời điểm hiện tại, các xã xây dựng NTM của huyện này mới chỉ cơ bản đạt 4 tiêu chí (điện, bưu điện, giáo dục và an ninh trật tự), 15 tiêu chí còn lại chưa đạt, trong đó có 6 tiêu chí mới chỉ đạt dưới 50%.
Đề án xây dựng xã đạt chuẩn NTM huyện A Lưới đặt ra cho giai đoạn 2011-2015, để 20 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM sẽ cần vốn đầu tư tới hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho xã Nhâm (xã điểm tỉnh chọn) là 91 tỷ đồng, các xã Hương Phong, Hương Lâm (xã điểm huyện chọn) mỗi xã 71,5 tỷ đồng, 17 xã còn lại cần hơn 1.000 tỷ đồng.
Là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, xã Nhâm khởi động xây dựng NTM từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng NTM ở xã này vẫn chỉ dừng lại ở khâu khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn.
Ông Hồ Viên Pưa - Chủ tịch UBND xã Nhâm, Trưởng ban Quản lý xây dựng NTM cho biết: "Xã Nhâm có thế mạnh là vùng đất rộng, phát triển kinh tế theo hướng nông, lâm, đặc biệt là cây cà phê. Tuy nhiên, nguồn vốn để xây dựng NTM vẫn phải trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước, việc huy động dân đóng góp 10% là rất khó, do người dân ở đây còn nghèo".
Cán bộ xã tự làm… số ảo
Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ xây dựng NTM ở A Lưới diễn ra ì ạch là do trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế. Ông La Ngọc Toàn - thành viên Tổ công tác của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện A Lưới cho biết: "Cán bộ các xã trên địa bàn rất lúng túng trong thực hiện các bước xây dựng NTM. Đơn cử như khi Tổ công tác yêu cầu cán bộ các xã khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn, lãnh đạo một số xã không biết tiến hành thế nào, nên đã tùy tiện "cấy" số liệu ảo vào biểu mẫu cho xong chuyện. Số liệu sai thực tế khiến kết quả khảo sát không phản ánh đúng thực trạng nông thôn ở các địa phương".
Trên thực tế, việc huy động vốn đầu tư theo con số đề án đưa ra được nhiều cán bộ đánh giá là cực khó, nếu không muốn nói là không tưởng đối với điều kiện của một huyện khó khăn như huyện A Lưới.
Theo ông Toàn: "Không chỉ lúng túng trong cách làm, cán bộ các xã còn thực hiện xây dựng NTM với trách nhiệm không cao do không được quyền lợi gì thêm. Ngoài ra, khi triển khai xây dựng NTM, các xã cũng mất thêm khoản chi mà không có thêm khoản thu nào nên thêm phần khó khăn. Vì vậy, mặc dù UBND huyện A Lưới đã có kế hoạch cụ thể, phân công cụ thể các thành viên ban chỉ đạo cấp huyện là lãnh đạo các cơ quan đơn vị nhưng tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện vẫn rất ì ạch".
"Tỉnh cần tập huấn cho cán bộ các xã trên địa bàn huyện về phương pháp rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn và lập đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015"- ông Toàn nói. Ông Toàn cũng đề nghị tỉnh khẩn trương hỗ trợ kinh phí để triển khai tập huấn, hướng dẫn lập đề án ở các xã và phân bổ kinh phí kịp thời để quy hoạch NTM trên địa bàn huyện.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.