Minh bạch hóa quá trình cải cách
Theo báo cáo trên, lạm phát của Việt Nam cũng được dự báo ở mức khoảng 7% vào cuối năm 2012, đưa tỷ lệ trung bình của năm lên 9,1%, thấp hơn so với dự báo trước kia vì giá thực phẩm giảm mạnh và nhu cầu trong nước yếu hơn dự đoán. Dự báo đến cuối năm 2013, lạm phát tăng nhanh lên mức 9,4% do giá lương thực toàn cầu và lượng cầu trong nước tăng, trong khi chính sách tài khóa có thể được nới lỏng.
|
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2012 hạ xuống còn 5,1%. |
Chuyên gia tài chính ADB nhận định, quy mô nợ xấu ở Việt Nam không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ. Triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào các rủi ro trong lĩnh vực tài chính, những rủi ro này có thể tăng cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần minh bạch hóa hơn nữa trong quá trình cải cách. Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam thì: "Việc công bố thêm thông tin về tiến độ thực hiện mục tiêu cải cách có thể củng cố hơn niềm tin vào quyết tâm tiến hành cải cách cấu trúc của chính phủ. Việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước phát ra tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của chính phủ".
Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo, những nỗ lực nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần có thể làm chính phủ xao lãng nhiệm vụ giải quyết những trở ngại về mặt cấu trúc nhằm mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, chẳng hạn như các điểm yếu trong hệ thống tài chính, các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, tình trạng thiếu điện và các hạn chế khác.
Toàn khu vực giảm tăng trưởng
ADB đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á trong năm 2012 và 2013, đồng thời cho biết, sau nhiều năm tăng trưởng nhanh chóng, khu vực phải chuẩn bị tinh thần cho một thời gian dài phát triển với tốc độ vừa phải khi mà lượng cầu toàn cầu liên tục suy giảm.
Ông Changyong Rhee - Trưởng ban Kinh tế của ADB nhận định: “Châu Á phải thích ứng với một môi trường tăng trưởng vừa phải và các quốc gia sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu, tái cân bằng các nguồn tăng trưởng, tăng năng suất và hiệu quả. Những biện pháp này rất quan trọng nếu khu vực muốn tiếp tục đưa người dân thoát khỏi cảnh nghèo".
Dự báo, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 8,1% trong năm 2013, giảm đáng kể so với mức 9,3% được công bố năm 2011.
ADB dự báo tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực sẽ giảm xuống 6,1% trong năm 2012 và 6,7% trong năm 2013, thấp hơn đáng kể so với mức 7,2% trong năm 2011. Tốc độ phát triển suy giảm của hai quốc gia khổng lồ - Trung Quốc và Ấn Độ - cùng với sự suy giảm toàn cầu, đã làm giảm lạc quan so với trước đây.
Báo cáo lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro và bờ vực tài chính đang ngày càng rõ ràng ở Mỹ có thể có tác động dây chuyền tồi tệ tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á đang phát triển.
Tuy nhiên, sự suy giảm dự kiến này có thể sẽ giảm bớt áp lực tăng giá khi mà lạm phát giảm từ 5,9% năm 2011 xuống 4,2% trong cả năm 2012 và 2013 với giả định không có đột biến về giá thực phẩm và giá nhiên liệu quốc tế.
Thúy Đăng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.