Cho vay nông nghiệp chiếm 50% thị phần
Vừa qua, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh những tháng cuối năm 2019.
Giao dịch với khách hàng tại Agribank chi nhánh Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Ảnh: Đại Nghĩa
Chủ tịch HĐTV Agribank – ông Trịnh Ngọc Khánh đánh giá kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2019 đã minh chứng cho công tác quản trị điều hành thời gian qua của Agribank. Đồng thời quán triệt trên toàn hệ thống phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, tăng tốc và bứt phá để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh… |
Ông Tiết Văn Thành - thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, hoạt động trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô diễn biến có phần thuận lợi và thách thức đan xen, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngay từ đầu năm 2019, Agribank nghiêm túc, tiên phong thực thi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần quan trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Đến 31/7/2019, tổng tài sản Agribank đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 50% thị phần cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng NTM, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, Agribank đã kịp thời cung ứng vốn cho vay hỗ trợ thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân, doanh số đạt hơn 7.000 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay ngành chăn nuôi lợn với dư nợ đạt gần 20.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% dư nợ toàn ngành ngân hàng), góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong ngành lúa gạo, chăn nuôi lợn.
Agribank đã chủ động 2 lần giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Chính phủ. Cùng với triển khai hiệu quả điểm giao dịch lưu động và cho vay thông qua hơn 61.000 tổ nhóm, Agribank tiếp tục ưu tiên dành nguốn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình trong thời gian ngắn hạn,...
Lợi nhuận tăng 127%
Đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank chiếm 70% dư nợ nền kinh tế (chiếm trên 50% thị phần trong nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam). Ảnh: Đại Nghĩa
Ông Tiết Văn Thành cho biết thêm, tính đến 31/7/2019, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75% kế hoạch năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu phí dịch vụ đạt gần 4.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng cũng được cải thiện bằng các giải pháp xử lý được triển khai đồng bộ, kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, đưa dòng vốn quay vòng và phát huy tác dụng đầu tư phát triển kinh tế.
Bên cạnh nỗ lực thực hiện hiệu quả kinh doanh, Agribank tích cực phát huy trách nhiệm đối với cộng đồng thông qua tham gia, triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, từ thiện, ưu tiên cho ưu tiên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục, y tế, đường giao thông nông thôn,...
Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cũng chia sẻ về những khó khăn hiện nay của Agribank trong việc bổ sung vốn điều lệ; cho vay nông nghiệp, nông thôn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao trong khi lãi suất cho vay ưu đãi thấp. Agribank phải cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng thương mại khác trong huy động vốn đáp ứng nhu cầu cho vay…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.