Ai đã “hà hơi” cho “nhà báo ngáo danh” khoe mẽ?

Quốc Phong Thứ sáu, ngày 10/05/2019 20:20 PM (GMT+7)
Vài ngày qua, dư luận cả nước ngỡ ngàng trước câu chuyện xảy ra trong làng báo Việt Nam, về “nhà báo ngáo danh” Lê Hoàng Anh Tuấn với cái mác không giống ai: “Nhà báo quốc tế” cùng chằng chịt học vị và chức danh nghe rất lạ tai.
Bình luận 0

Điều này khiến cư dân mạng một phen cười ra nước mắt. Còn những người trong nghề như tôi (tuy cũng chỉ mới 40 năm hành nghề) nhưng cũng phải bặm môi không dám cười to, vì tự thấy xấu hổ với các đồng nghiệp mình vừa bị lừa.

Nhờ cái mác học vấn đại học từ nước ngoài trở về với nhiều bằng cấp cộng thêm việc học ở trong nước, một tấm thẻ hành nghề choáng ngợp được ngoại quốc “hà hơi” cấp cho ông Lê Hoàng Anh Tuấn. Nó vô tình đã giúp ông ta có những vị thế mà nhiều cơ quan, trường học mắc lỡm đến khôi hài. Phải chăng, từ những cái mác đó mà nhiều đơn vị, nhà trường loá mắt như bị bùa mê thuốc lú?

img

Trường THPT Nghi Lộc III tổ chức đón nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ Lê Hoàng Anh Tuấn.

Thật xấu hổ khi biết ông Tuấn được đón rước trịnh trọng rồi mời bước lên bục giảng các trường đại học.

Rồi đó lại là cơ sở để ông ta được kết nạp vào Hội nhà báo Việt Nam và đang chờ nhận thẻ hội viên. Nay thì Hội đã có quyết định loại ông Tuấn khỏi danh sách cấp thẻ và đương nhiên cũng có nghĩa không còn là hội viên sinh hoạt tại Chi hội nhà báo Viện Báo chí.

Còn Hội Luật gia Việt Nam thì từng bổ nhiệm chức danh Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu... Hội này cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Viện trưởng khó hiểu trên.

Sao các hội lại dễ dãi và tin người đến thế?

Và câu hỏi đặt ra là liệu có dấu hiệu gian dối, thiếu trung thực, cơ hội?

Một thông tin cho hay, năm 2016, ông Lê Hoàng Anh Tuấn, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, đã tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội ở Hà Tĩnh, nhưng không qua được vòng đầu. 

Theo tôi tìm hiểu từ một người có trách nhiệm thì ngay từ khi đó, các cơ quan nghiệp vụ có liên quan đã đặt dấu hỏi về gốc gác lai lịch của ông Tuấn khi thấy có những điều chưa ổn, nên đã gác lại, không thống nhất để đưa ra hiệp y với trung ương.

Một cán bộ công an huyện Thạch Hà đã cho phóng viên một tờ báo biết: Để chuẩn bị ứng cử đại biểu Quốc hội 2016, năm 2015 ông Tuấn xin nhập hộ khẩu vào một gia đình ở thị trấn Thạch Hà. "Theo luật thì đây là việc bình thường, công dân đều có quyền tự do cư trú. Trước khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ông này có nhiều hoạt động ở Hà Tĩnh như tài trợ, đỡ đầu, làm nhà cho phụ nữ nghèo". 

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Anh Tuấn đã để lại điều tiếng khi đứng ra làm lễ rùm beng, hứa tài trợ xây 50 nhà tình nghĩa từ một nguồn quỹ nào đó của nước ngoài (tổng trị giá 3 tỷ đồng) cho các bà, các chị phụ nữ nghèo khó trên đất Hà Tĩnh giai đoạn 2015, tức là trước khi ông ta vận động ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương. 

Thế rồi 50 căn nhà mà ông Lê Hoàng Anh Tuấn hứa tài trợ đã khiến cho từng đó hộ mắc nợ theo, bởi ông ta chỉ mới đưa 15 triệu/60 triệu/1 căn nhà theo cam kết thì đã xù. Điều này đã làm cho cuộc sống của bà con vốn đã nghèo lại càng thêm khó khăn vì nợ nần không thể trả...

Tôi không rõ ý định PR nói trên của ông Tuấn có xuất phát từ thiện tâm hay chỉ để đánh bóng tên tuổi lấy phiếu bầu cử. 

Theo phóng viên VOV tìm hiểu từ Praha (Cộng hoà Czech), một tiến sĩ từng đưa sinh viên Việt Nam sang du học tại Czech nhiều năm trước, đã có thời kỳ đã hỗ trợ ông Tuấn, thì khẳng định đúng là ông ta đã tốt nghiệp khoa Kinh tế Trường Đại học tổng hợp kỹ thuật Ostrava (thành phố Ostrava) và nhận bằng diplom. Ngoài ra, ông Tuấn cũng có một năm học bổ túc tiếng Czech tại Trường Đại học Sư phạm Ostrava. 

img

Hình ảnh thẻ nhà báo quốc tế của Lê Hoàng Anh Tuấn.

Về tấm thẻ Nhà báo quốc tế, căn cứ để Lê Hoàng Anh Tuấn tự xưng là "Nhà báo quốc tế" thì còn khá mập mờ. Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, có hai loại thẻ báo chí quốc tế. Một loại được cấp theo yêu cầu của tòa soạn hay tạp chí nào đó cho những người làm việc trong tòa soạn đó với giá hơn 100 euro và tổ chức cấp không phải là tổ chức của các hội nhà báo. Loại còn lại là Thẻ báo chí quốc tế (IPC) chỉ cấp cho các nhà báo là thành viên các tổ chức nhà báo quốc gia trực thuộc Liên đoàn các nhà báo quốc tế (IFJ).

Rất có thể do ông ta không trung thực ngay khi từ Cộng hoà Czech về nước qua một số giấy tờ, bằng cấp kiểu đó, để rồi cũng từ nguyên do này đã diễn ra chuỗi sai lầm kéo theo liên tục của biết bao cơ quan, đơn vị nhà trường trong nước.

Nhìn lại toàn bộ sự việc, quả thật ông Tuấn đã “bỏ bùa” người khác cực kỳ xuất sắc. Nó được dàn dựng lớp lang, bài bản và nhiều cơ quan cứ ngỡ là thật. Đã có bao nhiêu nhà trường, học viện dễ dàng mời ông ta đứng lớp một cách cả tin. Nghe nói, nhiều sinh viên nghe ông ta giảng, thấy khó hiểu mà không dám nói ra vì ngại rằng mình dốt nên mới... không hiểu (!!!).

Nếu như không có vụ việc ông ta về trường cũ tặng quà, giao lưu với thày cô giáo cùng học sinh nhà trường tại THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An thì chắc gì đã bị lộ?

Có lẽ do rùm beng quá, do trống giong cờ mở, phông màn treo to quá, nên chân tướng của ông Tuấn mới lộ ra?

Nào là có hẳn Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam xuống dự và tuyên truyền trên tạp chí của Hội về ông ta cứ như một vĩ nhân. Lại có cả phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Nghệ An cùng xuống dự, nên còn gì long trọng hơn!

Để tăng thêm uy tín, buổi lễ còn vinh dự đón ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An xuống dự với tư cách là người được Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy nhiệm cử đi thay. Khi xuống, ông viện trưởng dưới tỉnh này còn được cấp trên nhờ trao quà cho vị tiến sĩ nọ với dòng chữ ghi trên bức tranh khá thân thiết...

Rồi Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng gửi lẵng hoa xuống chúc mừng. Việc này thì chưa được rõ lẵng hoa trên ai mang xuống, hay do ông Tuấn tự gắn băng chữ vào để “giải quyết khâu oai”? 

Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến nhà trường tin rằng cựu học trò của họ là ngôi sao sáng trong làng báo Việt Nam. Giờ thì ông ta nói gì trước 1.200 học sinh và giáo viên của trường ai chả tin. 

img

Một tấm card visit được lan truyền và được cho là của ông Lê Hoàng Anh Tuấn. 

Chúng ta cần chờ các cơ quan chức năng xác minh thêm nữa để kết luận một cách chính xác ông Tuấn có văn bằng nào là thật, văn bằng là giả, là tự bịa ra. Từ đó sẽ phân tích thêm tại sao, căn cứ vào đâu mà Đại sứ quan Việt Nam tại Cộng hòa Czech lại xác nhận cho ông ta như thế?

Phải chăng cũng bắt đầu từ “tấm giấy thông hành” quý giá trên nên khi ông ta về nước thì đi đâu cũng lọt?

Sau khi được Viện Báo chí nước nhà mời giảng bài cho sinh viên, ông Lê Hoàng Anh Tuấn tiếp tục xin thế nào đó để Chi hội Nhà báo của Viện Báo chí xác nhận cho ông ta xin thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam rất dễ dàng.

Từ tấm thông hành quá tốt đó mà ông ta có “bộ cánh” rất đẹp đi dạy cả ở một trường sỹ quan quân đội cho đối tượng học viên sỹ quan.

Khi một tờ báo trong nước xác minh tên tuổi ông ta tại Trường Đại học Leeds (Vương quốc Anh) thì họ trả lời không có ai tên Lê Hoàng Anh Tuấn được cấp bằng tiến sỹ danh dự vào năm 2018. 

Một thông tin khác từ báo chí cũng đáng lưu tâm: “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn tốt nghiệp văn bằng 2 đại học chính quy chuyên ngành Luật Quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội (2011 – 2014). Từ năm 2014 – 2017, Lê Hoàng Anh Tuấn tiếp tục tốt nghiệp hệ Cao học, chuyên ngành Luật Dân sự và Tố tụng dân sự của Đại học Luật Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Hà Nội lại một mực từ chối cung cấp hồ sơ đầu vào và thông tin chi tiết về Lê Hoàng Anh Tuấn: “Trường không cung cấp cho báo những tư liệu đó, mà chỉ trả lời bằng tốt nghiệp đại học văn bằng 2 và thạc sĩ của Lê Hoàng Anh Tuấn là của Trường Đại học Luật Hà Nội cấp”.

Câu hỏi này có lẽ chúng tôi xin dành cho các cơ quan đang tiến hành xác minh, điều tra về nhân vật Lê Hoàng Anh Tuấn mà chưa có nhận xét gì. 

Câu chuyện của “Nhà báo quốc tế” này cũng là bài học của việc không ngăn ngừa sớm khi có dấu hiệu lừa đảo, bị dân tố giác.

Từ cách đây 2 năm, “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn, thời điểm đó giới thiệu đang là Viện trưởng Pháp luật và đầu tư kinh doanh thuộc Hội Luật gia Việt Nam, đã bị nhiều người dân trú tại TP. Vinh (Nghệ An) tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến cả tỷ đồng.

Giá như ngay sau khi tiếp nhận đơn nói trên, Công an tỉnh Nghệ An và sau đó được giao cho Công an TP. Vinh thụ lý mà làm nghiêm túc cho “ra vấn đề” thì đâu đến nỗi tệ hại và bẽ bàng cho nhiều cơ quan như mới đây xảy ra. 

Được biết, ngày đó, Công an TP. Vinh đã "nhiều lần triệu tập Lê Hoàng Anh Tuấn theo đơn tố cáo nhưng người này không đến”.

Không lẽ cơ quan pháp luật của chúng ta lại bất lực đến như vậy sao? 

Tôi không tin vào cách trả lời đơn giản này mà hình dung ở góc độ khác. Rất có thể có ai đó đã tác động để công an tỉnh này không làm kiên quyết tới cùng để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật tiếp theo. Và nếu làm nghiêm túc ngay từ khi ấy, hôm nay đâu còn chuyện như nó vừa diễn ra.  

Đây quả là một bài học cần rút kinh nghiệm cho rất nhiều bộ, ngành và địa phương, chớ chủ quan khi nhìn người qua bằng cấp một cách thiếu tỉnh táo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem