Ai đóng giả vua Quang Trung cùng Phan Huy Ích sang mừng thọ vua Càn Long?
Ai đóng giả vua Quang Trung cùng Phan Huy Ích sang mừng thọ vua Càn Long?
N.V
Thứ ba, ngày 16/05/2023 22:45 PM (GMT+7)
Cuối tháng 2 năm 1790, Phan Huy Ích cùng với đại tư mã Ngô Văn Sở được cử trong phái đoàn do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang nhà Thanh để mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi...
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Phan Huy Ích còn có tên chữ là Khiêm Thụ Phủ, Chi Hòa và hiệu là Dụ Am, Đức Hiên. Ông là một viên quan đại thần của nhà hậu Lê và cũng là một công thần của nhà Tây Sơn. Ông có tên thật là Phan Công Huệ, sinh ngày 12 tháng Chạp năm Canh Ngọ - 1750, tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Do kiêng húy của Tuyên phi Đặng Thị Huệ nên về sau ông đổi tên là Phan Huy Ích.
Ông là con trai đầu của tiến sĩ Phan Huy Cận. Thuở nhỏ, ông sống và học tập tại làng Thu Hoạch, đến năm 20 tuổi ông thi và đỗ Giải nguyên tại trường thi Nghệ An. Trước đó, năm 1753, thân phụ ông là Phan Huy Cận cũng đỗ Giải nguyên tại trường thi Hương này.
Sau khi đỗ Giải nguyên, ông được triều đình thu dụng và bổ nhiệm một chức quan nhỏ tại trấn Sơn Nam. Ông trở thành học trò của Ngô Thì Sĩ, được thầy mến tài và gả con gái cho. Năm 1775, ông cùng người anh vợ là Ngô Thì Nhậm dự thi Hội và cùng đỗ tiến sĩ. Khoa này có 18 tiến sĩ và Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, đứng đầu trong số này. Trước đó, vào năm 1754, thân phụ ông cũng từng đỗ Hội nguyên Tiến sĩ như thế.
Năm 1776, ông tiếp tục thi đỗ kỳ thi Ứng chế và được triều đình bổ làm Hàn lâm thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa, chuyên trông coi việc an ninh. Năm 1777, ông được lệnh mang ấn kiếm, sắc phong tước Cung quận công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc, nhưng khi vào đến Phú Xuân, tướng Phạm Ngô Cầu trấn giữ Phú Xuân cản giữ ông lại rồi sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi vào Quảng Nam phong cho Nguyễn Nhạc. Sau đó, ông được thăng Hiến sát sứ Thanh Hóa, trông coi việc xét xử và luật pháp.
Cuối năm 1787, nghĩa quân Tây Sơn kéo ra Bắc Hà lần thứ hai. Khi đó vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu viện binh của nhà Thanh. Trước tình hình triều đình như vậy, Phan Huy Ích đã bỏ lên Sài Sơn, chấm dứt 14 năm làm quan với chính quyền vua Lê - chúa Trịnh.
Tháng 5 năm 1788, sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc đã xuống chiếu cầu hiền. Sau đó, Phan Huy Ích cùng với Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Thế Lịch đã ra hợp tác với quân Tây Sơn. Phan Huy Ích được phong làm Tả thị lang Bộ Hộ.
Sau cuộc hành quân phá tan quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu - 1789 của Quang Trung, ông được giao phụ trách công việc ngoại giao. Cuối tháng 2 năm 1790, Phan Huy Ích cùng với đại tư mã Ngô Văn Sở được cử trong phái đoàn do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang nhà Thanh để mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi.
Năm 1792, sau khi về nước, ông được thăng chức Thị Trung ngự sử ở tòa Nội các, rồi lại được phong làm Thượng thư Bộ Lễ. Cũng trong năm này, vua Quang Trung mất đột ngột. Ông đã cố gắng phò tá vị vua trẻ là Quang Toản, nhưng một mình ông không ngăn nổi đà suy vi của Tây Sơn.
Mùa hạ năm 1802, quân Nguyễn Ánh ra Bắc. Ông bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch và cả ba đều bị Đặng Trần Thường vì ích kỷ, hẹp hòi và tư thù cá nhân mà đưa ra đánh đòn trước Văn Miếu. Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích vì không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm là người bị đánh nặng nhất và còn bị đánh bằng gậy có tẩm thuốc độc nên chỉ ba ngày sau thì ông mất vì bị thuốc độc thấm vào phủ tạng.
Năm 1814, Phan Huy Ích trở về quê ở làng Thu Hoạch sống bằng nghề dạy học và sau đó lại ra Sài Sơn an dưỡng. Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã hoàn chỉnh bản dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm (tác giả Đặng Trần Côn), mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm. Ông mất ngày Hai mươi tháng Hai năm Nhâm Ngọ (tức 13 tháng 3 năm 1822) tại quê nhà.
Lời bàn:
Chỉ với nội dung của giai thoại trên đây cũng đã là quá đủ để chứng minh rằng Phan Huy Ích thực sự là người có tài năng không những về chính trị, văn chương và có tâm huyết với thời cuộc. Những chính tích của Phan Huy Ích, nhất là trong công việc ngoại giao là đóng góp quan trọng, là chiến công của ông đối với triều đại Tây Sơn. Ngoài ra, ông còn là nhà trước tác lớn, có công lao đối với nền văn học và văn hóa dân tộc. Ông là tác giả của hàng loạt tác phẩm sử học, văn học tiêu biểu như: "Lịch triều điền cố", "Dụ am văn tập", "Nam trình tạp vịnh", "Cẩm rình kỷ hứng", "Cúc thu bách vịnh"..., dịch giả sách "Chinh phụ ngâm".
Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, vào tháng 11 năm Mậu Tý (1788), Lê Chiêu Thống đã theo chân Tôn Sỹ Nghị cùng với 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh trở về. Khi vào được Thăng Long, Lê Chiêu Thống đã hạ lệnh cho đục tên của Phan Huy Ích và những người đi theo Tây Sơn trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu và cho truy nã những người này. Thế mới hay rằng, kẻ nhu nhược và hèn nhát đến mức phản quốc như Lê Chiêu Thống thì việc trả thù cũng vô cùng tiểu nhân và hèn hạ. Thật đáng hổ thay, thân làm vua mà không biết đến câu cửa miệng của dân chúng rằng: "Trăm năm bia đá thì mòn; Ngàn năm bia miệng vẫn còn... trơ". Điều ấy muốn nói rằng dù Lê Chiêu Thống có quyền lực đến đâu cũng không thể nào "đục" được tên tuổi và sự nghiệp của Phan Huy Ích trong lòng người dân đất Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.