Lý Chiêu Hoàng viết gì trong chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh?

N.V Thứ sáu, ngày 12/05/2023 23:00 PM (GMT+7)
Lý Chiêu Hoàng đã có cảm tình với Trần Cảnh. Thấy thời cơ đã đến, Trần Thủ Độ lập tức tiến tới một bước ngoặt quyết định: Thuyết phục (thực chất là ép) Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và lập tức nhường ngôi cho chồng.
Bình luận 0

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Lý Chiêu Hoàng lên ngôi và trị vì đất nước được đúng một năm. Bà là vị vua thứ 9 và cũng là cuối cùng của nhà Lý. Bà là con thứ của vua Lý Huệ Tông, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), tên húy là Phật Kim, sau đổi là Thiên Hinh, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa. Mẹ bà là Trần Thị Dung. Chị gái là công chúa Thuận Thiên, cả hai chị em bà sau này đều có thời là hoàng hậu của vua Trần Thái Tông.

Năm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép vua Lý Huệ Tông đi tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập công chúa Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo và gọi là Lý Chiêu Hoàng.

Lý Chiêu Hoàng viết gì trong chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh? - Ảnh 1.

Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Ảnh minh hoạ.

Năm 1225, họ Trần nắm giữ binh quyền và các chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lý lúc bấy giờ. Dưới sự đạo diễn của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh là cháu họ và là con của Trần Thừa, khi đó mới 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Đại Việt sử ký toàn thư đã chép lại sự việc này như sau: Một hôm, Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Trần Thủ Độ và Trần Thủ Độ đã nói rằng: 

- Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây?

Lại một hôm, Chiêu Hoàng lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: 

- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh. 

Chiêu Hoàng cười và nói: Ta tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó. 

Trần Cảnh lại về nói với Trần Thủ Độ và Trần Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Rồi sau đó Trần Thủ Độ loan báo rằng: Bệ hạ đã có chồng rồi.

Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng và nhà vua đã xuống chiếu rằng: 

- Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm, thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". 

Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết.

Lời bàn:

Theo sử cũ thì Trần Thủ Độ đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho việc trị vì đất nước về sau của họ Trần bằng cách đưa Trần Cảnh, cháu họ của mình vào cung giữ chức chánh thủ, chuyên lo công việc hầu hạ Lý Chiêu Hoàng. Và Lý Chiêu Hoàng đã có cảm tình với Trần Cảnh từ khi đó. Thấy thời cơ đã đến, Trần Thủ Độ lập tức tiến tới một bước ngoặt quyết định: Thuyết phục (thực chất là ép) Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và lập tức nhường ngôi cho chồng.

Đã không ít sử gia cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc Lý Chiêu Hoàng tuy cũng là vua nhưng không được thờ cùng tám vị tiền triều của nhà Lý tại Đền Đô ở làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Quan điểm trên hoàn toàn không đúng, mà nguyên nhân là do triều đình nhà Lý bắt đầu suy vong từ đời vua Lý Cao Tông và nhà Lý sụp đổ là tất yếu khách quan. Nếu họ Trần không thay thế thì cũng sẽ có một lực lượng khác lên thay. Vả lại, nếu Lý Chiêu Hoàng không chịu lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng thì tất yếu sẽ xảy ra một cuộc đảo chính đẫm máu. Vậy nên không thể đổ lỗi cho Lý Chiêu Hoàng là người đã làm mất ngôi nhà Lý. Và theo suy nghĩ của người viết lời bàn này, nguyên nhân là do tư tưởng trọng nam khinh nữ của các chế độ phong kiến ngày xưa, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ ở Đền Đô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem