Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Đặng Tất là danh tướng của nhà Hậu Trần. Ông tổ 4 đời của Đặng Tất là Đặng Bá Kiển vốn cư ngụ ở vùng kinh kỳ Thăng Long, sau đó di dời vào vùng Nghệ An. Con trưởng của Bá Kiển là Đặng Bá Tĩnh đỗ thám hoa đời nhà Trần. Đặng Bá Tĩnh là ông nội của Đặng Tất. Con trưởng của Bá Tĩnh là Đặng Đình Dực là cha Đặng Tất.
Đặng Tất sinh ra và lớn lên tại làng Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, Nghệ An châu, nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông thi đậu Thái học sinh thời nhà Trần và được bổ làm tri phủ Hóa Châu, nay là vùng Hải Lăng, thuộc tỉnh Quảng Trị. Sau đó lại chuyển đến làm tri phủ huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Khi Hồ Quý Ly nắm quyền bính trong triều nhà Trần đã tin dùng Đặng Tất. Năm 1391, ông được phong làm Đại tri Hóa Châu là nhờ việc đã cùng Hoàng Hối Khanh tố cáo hai tướng trấn thủ ở đây là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê có ý bất mãn về việc Quý Ly sắp lấy ngôi nhà Trần.
Năm 1402, để củng cố vùng đất phía Nam, Hồ Quý Ly cho lập ra 4 châu mới là: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt lộ Thăng Hoa để thống nhất cả 4 châu, cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Theo sử sách, hai họ nhà Đặng Nguyễn có thân nhau từ trước nên từ đó Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân càng thân thiết và có uy tín lớn trong vùng.
Nhân lúc nhà Hồ chưa ổn định tình hình triều chính, Chiêm Thành đã liên tục đưa quân sang quấy rối ở phía Nam. Hồ Quý Ly sai Hoàng Hối Khanh làm Tuyên úy sứ trấn thủ cả vùng Thăng Hoa. Đến Thăng Hoa, Hoàng Hối Khanh chọn Đặng Tất, Phạm Thế Căng và Nguyễn Lỗ giúp việc cho mình.
Khi quân Minh sang xâm chiếm nước Đại Ngu, cha con Hồ Quý Ly thua chạy vào Nam, bị quân Minh đuổi gấp, bèn viết thư cho Hoàng Hối Khanh, sai lấy dân Việt mới đến khẩn hoang ở Thăng Hoa và dân bản địa cũ làm quân "cần vương" rồi giao cho Nguyễn Lỗ chỉ huy.
Tháng 6 năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt. Chiêm Thành nhân đó mang quân đánh chiếm lại Thăng Hoa, dân mới di cư đến tan rã bỏ chạy, Hoàng Hối Khanh rút về Hóa Châu. Khi đó, Đặng Tất cũng về theo bằng đường thủy và Nguyễn Lỗ đi đường bộ về sau. Nguyễn Lỗ vốn có hiềm khích từ trước với Đặng Tất. Trong khi đó, trấn phủ sứ Thuận Hóa là Nguyễn Phong lại theo về phe với Lỗ, nên đã ngăn không cho Đặng Tất vào thành. Đặng Tất cho quân đánh, giết được Nguyễn Phong rồi giao chiến với Nguyễn Lỗ hơn 1 tháng và cuối cùng đánh bại Nguyễn Lỗ. Không địch nổi Đặng Tất, Nguyễn Lỗ chạy sang đầu hàng Chiêm Thành và được trọng dụng.
Nhân cơ hội này, Chiêm Thành thừa thế tiến lên đánh Hóa Châu. Lúc đó quân Minh sau khi bắt cha con họ Hồ cũng tiến vào "bình định" Hóa Châu. Phạm Thế Căng đón quân Minh ở Nghệ An xin hàng. Trương Phụ cử Đỗ Tử Trung đi dụ Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất. Hối Khanh bỏ trốn. Bị kẹp giữa hai kẻ địch, Đặng Tất quyết định tạm hàng quân Minh để ngăn quân Chiêm Bắc tiến, được Trương Phụ cho giữ chức Đại tri Hóa Châu như cũ.
Tạm yên phía Bắc, Đặng Tất dồn sức chống Chiêm Thành ở phía Nam. Quân Chiêm không đánh nổi phải rút về. Đặng Tất sai người đi tìm Hoàng Hối Khanh về bàn mưu chống quân Minh. Cuối năm 1407, Hối Khanh về đến cửa Hội thì gặp gió to đánh vỡ thuyền, lại bị thổ binh theo quân Minh bắt được. Vì không muốn lọt vào tay quân Minh, Hối Khanh tự sát. Trương Phụ đem thủ cấp của Hối Khanh ra bêu ở chợ Đông Đô.
Lời bàn:
Theo các nguồn tư liệu còn lưu lại đến ngày nay, cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Tất gắn liền với những biến cố của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 15. Có thể nói, Đặng Tất là người sống giữa nhiều "làn đạn", bên trong thì nhà Trần - nhà Hồ, bên ngoài thì quân Minh - quân Chiêm Thành, nhưng tùy vào thời thế mà ông luôn biết xoay xở với thời cuộc. Và theo các nhà sử học đánh giá, Đặng Tất dù sống dưới chế độ nào, ông luôn hướng về mục tiêu vì lợi ích của nước Đại Việt - Đại Ngu. Cơ nghiệp nhà Trần trước đây đã suy vi không thể cứu vãn nên ông đứng về phía nhà Hồ. Nhà Hồ thất bại, ông phải tạm hàng nhà Minh để ngăn sự xâm lấn của quân Chiêm Thành và tạo cơ sở chống Minh về sau.
Và chính trong thời buổi hỗn loạn đó, ông không tử tiết theo nhà Trần như Trần Khát Chân hay tử tiết theo nhà Hồ như Nguyễn Hy Chu, không chạy sang Chiêm như Nguyễn Lỗ, cũng không phục vụ đắc lực cho người Minh để chống lại đồng bào mình như Mạc Thúy. Ông không khư khư "thủ tiết" như nhiều nhà Nho đương thời. Ông chọn con đường sống nhưng không phải sống nhàn cư ẩn dật khi nước mất nhà tan. Giữa thời kỳ muôn vàn khó khăn ở một góc Hóa Châu, tài năng, bản lĩnh và lòng yêu nước của ông được bộc lộ. Chính nhờ tài năng của ông, quân của hậu Trần từ chỗ bị dồn vào Hóa Châu nhưng chỉ trong 1 năm đánh như chẻ tre ra Bắc, áp sát Đông Quan. Tiếc rằng, trong thời buổi "tôi sáng" nhưng không có "vua hiền" nên tài năng của danh tướng Đặng Tất trở thành vô nghĩa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.