Ai ghi âm được nói tục, chửi thề?

Thứ năm, ngày 05/06/2014 07:14 AM (GMT+7)
"Đi kèm quy định này phải có chế tài tương ứng. Nhưng thực ra nói vậy cũng chỉ là nói theo sách vở. Có ai ghi âm được câu chửi thề của họ không? Nói tục bao nhiêu lần, nói tục thế nào thì bị xử lý kỷ luật…".
Bình luận 0
Ngày 29.5, UBND thành phố Hà Nội ban hành quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở, trong đó quy định: Công chức không nói tục, không nói tiếng lóng… Văn bản này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

NTNN đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Tuấn- Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội.

Luật sư Tuấn cho biết: Với một văn bản quy phạm pháp luật, thì cách viết như vậy là thiếu chặt chẽ. Đối với người này thì từ này, câu này là nói tục, là tiếng lóng, nhưng với người khác lại không phải, ấy là chưa kể đến phong tục, tập quán từng vùng miền. Để chặt chẽ, quy chế phải có mục: Giải thích từ ngữ. Thế nào là nói tục, tiếng lóng?

Hành vi của con người ngoài việc được điều chỉnh bằng quy phạm pháp luật, còn được điều chỉnh bằng quy phạm đạo đức. Quy phạm đạo đức được hình thành từ phong tục tập quán, thói quen, truyền thống, dân tộc, vùng miền... và được đảm bảo thực hiện trên cơ sở cộng đồng và dư luận xã hội. Và như vậy, ai mà chẳng biết thế nào là nói tục, là tiếng lóng. Vấn đề ở đây là ý thức bản thân con người: Có văn hóa hay thiếu văn hóa, có tôn trọng thuần phong mỹ tục tốt đẹp hay không thôi.

Luật sư đánh giá thế nào về tính khả thi của quy định này?

- Cán bộ, công chức thực hiện được những quy định nêu trong quy chế là điều lý tưởng. Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống cần phải có quá trình; thay đổi một thói quen trong sinh hoạt không thể trông chờ vào một quy định. Nhưng đây là một cơ sở pháp lý quan trọng, là thước đo để đánh giá cán bộ, công chức. Đi kèm quy định này phải có chế tài tương ứng. Nhưng thực ra nói vậy cũng chỉ là nói theo sách vở mà thôi. Có ai ghi âm được câu chửi thề của họ không? Nói tục bao nhiêu lần, nói tục thế nào thì bị xử lý kỷ luật…

Đây là việc khó, nhưng không có nghĩa là chúng ta bất lực. Khi mà cả xã hội lên án mạnh mẽ việc nói tục, khi mà cấp trên gương mẫu, nghiêm khắc, công sở trang nghiêm sạch sẽ và khi lỡ buông câu nói tục thấy xấu hổ với những người xung quanh thì việc nói tục sẽ biến đi lúc nào không hay. Và chúng ta có quyền hy vọng về quy chế của UBND thành phố Hà Nội sẽ trở thành hiện thực.

Xin cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện) (Lê Chiên (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem