Ai là người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Lào?
Ai là người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Lào?
Chủ nhật, ngày 07/05/2023 13:32 PM (GMT+7)
“Thời điểm đó là vào buổi trưa. Tiếng máy bay địch gầm rú trên bầu trời, chúng tôi nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Chỉ vài giây sau, máy đo xạ báo: Máy bay địch ngoài 5 ngàn… 4 ngàn… rồi 3 ngàn… Tôi hạ lệnh: bắn.
Đó là câu chuyện của Trung tá Hoàng Thế Quý, người Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay do thám của Mỹ trên đất bạn Lào cách đây đã 58 năm.
Gặp người lính già thuộc dòng dõi "trâm anh"
Trong cuốn lịch sử Sư đoàn 31, của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi vô tình đọc được dòng thông tin "Ngày 7/6, phân đội súng cao xạ 14,5 ly do Đại đội trưởng Hoàng Thế Quý chỉ huy đã dũng cảm chiến đấu bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F8U. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn hạ tại Lào". Từ những manh mối ít ỏi này, chúng tôi mất khá nhiều thời gian để lần tìm manh mối về nhân vật lịch sử này. Và điều khá bất ngờ, vị chỉ huy ngày ấy là người sinh ra tại Hà Nội và đang sinh sống tại Hà Nội.
Nằm nép mình trên con phố Chùa Quỳnh (thuộc phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), khi biết chúng tôi là phóng viên, tìm hiểu về trận đánh cách đây 58 năm trên đất bạn Lào và đặc biệt là chuyện bắn rơi máy bay đầu tiên, ông Hoàng Thế Quý như trẻ lại đến cả chục tuổi. Ký ức dần hiện về trong đôi mắt, gương mặt của vị chỉ huy trận đánh ấy bỗng rực sáng, hào hùng.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc dõng dõi của Tổng đốc Hoàng Cao Khải, là người con thứ 6 trong gia đình có tới 10 anh chị em nên tất thảy các anh chị em ông Quý đều được theo học trường dòng.
"Sau khi học ở trường Quốc học Vinh và đệ tam chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, tháng 5/1950, tôi xung phong đi bộ đội và vào học khóa 6 của trường Lục quân. Thời điểm này, khóa chúng tôi học được chia làm 2. Một đào tạo ở Thanh Hóa và nửa còn lại được đào tạo ở bên Trung Quốc. Tôi học ở Thanh Hóa. Hiệu trưởng của chúng tôi thời bấy giờ là đồng chí Hoàng Điền" – ông Quý bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Ký ức về một thời hào hùng dần hiện về trong ánh mắt của ông cụ đã bước sang cái tuổi 94, ông Quý chậm rãi kể: Sau khi tốt nghiệp Lục quân, khóa đào tạo của ông được chia thành 2 Trung đoàn là 168 và 108 để vào Nam thực thi nhiệm vụ. "Tôi được phân công vào Liên khu 5 Tây Nguyên, thuộc Trung đoàn Bộ binh chủ lực 108" - ông Quý nhớ lại.
Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, đơn vị của ông được tập kết ra Bắc. Trong thời gian này ông Quý được giao nhiệm vụ quản lý hồi binh, đồng thời làm công tác bổ túc văn hóa cho các cán bộ của Trung đoàn. Năm 1956-1957, ông được cử đi học trường Pháo binh, đóng trên địa bàn Sơn Tây (Hà Nội bây giờ - PV). Sau hơn một năm học tập, đến tháng 7/1958, ông tốt nghiệp Thủ khoa và được điều về Tiểu đoàn 24, Quân khu Tây Bắc để bảo vệ sân bay Nà Sản (thuộc huyện Hát Lót - Sơn La ngày nay).
Chiến đấu và bảo vệ sân bay Na Sản được 5 năm, đến đầu năm 1964, Tiểu đoàn 24 được lệnh của Quân khu sang làm nhiệm vụ và chiến đấu trên đất bạn Lào. "Lúc ấy, chúng tôi có 6 xe chở 6 khẩu pháo 14.5 ly. Điểm đến là bản Son nằm giữa huyện Sầm Nưa và Xiên Khoảng của nước bạn Lào. Mục đích là bảo vệ Sở Chỉ huy tiền phương mà đồng chí Thiếu tướng Bằng Giang – Tư lệnh trưởng Quân khu Tây Bắc đang thực thi nhiệm vụ" - ông Quý cho biết.
Đang dở câu chuyện với chúng tôi thì ông Quý báo tin có một đồng chí, đồng đội cũng là học trò cũ của ông đến thăm. Đó là ông Phùng Văn Noãn (sinh năm 1938, quê Sơn Tây - Hà Nội). Ông Noãn được điều về đơn vị của ông Quý từ những năm 1958. Tuy không trực tiếp tham gia bắn hạ chiếc F8U nhưng ông Noãn thuộc phái đoàn được mời về Quân chủng để báo cáo tình hình.
Có thêm đồng chí, đồng đội để ôn lại những chiến công đã lùi xa vào dĩ vãng một thời đã xa xôi, đặc biệt là câu chuyện bắn hạ đến 2 chiếc máy bay F8U Crusader khi chúng đang trinh sát tìm cách phá hoại con đường độc đạo từ Việt Nam sang Lào.
Bắn hạ máy bay Mỹ đầu tiên ở Đông Dương
Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Quý vừa mở chiếc hộp "kỷ niệm" được cất một cách cẩn thận trong chiếc tủ đã sờn màu thời gian. Run run mở chiếc hộp với hàng chục chiếc huân, huy chương được treo ngăn nắp, theo thứ tự, ông Quý kể: "Đây là 2 tấm huy chương mà nước bạn Lào tặng". Rồi như để câu chuyện về bắn hạ máy bay không bị ngắt quãng, ông tiếp tục theo nguồn mạch: "Đó là loại máy bay F8U Crusader, chúng có nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình để gửi thông tin về Sở chỉ huy địch nhằm phá hoại con đường độc đạo từ Việt Nam sang Lào cũng như sở Chỉ huy của chúng ta".
Trong một lần cùng đồng đội đang tắm dưới suối thì máy bay địch đến do thám. "Chúng vụt bay đến và bay đi rất nhanh chỉ trong vài quãng thời gian rất ngắn là chỉ còn nghe thấy tiếng động cơ rồi mất dạng trên bầu trời" - ông Quý nhớ lại. Cũng trong những thời khắc ấy, ông Quý nhận ra những lý thuyết phòng không khi được học trên ghế nhà trường nếu đưa vào áp dụng sẽ không mấy hiệu quả. "Mình phải tìm cách khác mới được" - ông Quý trăn trở.
Và nỗi trăn trở ấy cứ bám riết, theo ông về tận giường ngủ. Vốn là người thông minh, học giỏi môn hình học, ông Quý bắt đầu phân tích từ địa hình, địa thế, quy luật bay, tốc độ bay và tốc độ của đạn pháo. "Trong lý thuyết chúng tôi được học ở trường, trước khi bắn sẽ phải theo khẩu lệnh của người chỉ huy. Ví dụ: Máy bay địch, số…, tốc độ…, cự ly… điểm xạ dài…., điểm xạ ngắn. Xong báo cáo, được lệnh bắn mới bắn" - ông Quý chia sẻ. Tuy nhiên, áp dụng quy cách này sẽ mất đi tính đột biến của thời khắc.
"Căn cứ vào địa hình đường số 7 mà chúng tôi đang thực thi bảo vệ. Đây là con đường độc đạo, xung quanh chỉ có núi đá cao. Máy bay muốn đánh phá, trinh thám chỉ còn duy nhất một cách là bay thấp, lần theo trục đường số 7 để luồn vào Sở chỉ huy của chúng ta. Chiểu theo địa hình, địa thế như vậy, thì áp dụng công thức tam giác thường mà hồi tôi học chuyên khoa, cộng với máy đo xạ báo về, đến đúng điểm góc cạnh của tam giác là chúng tôi nổ súng" - ông Quý phân tích.
Và ý tưởng ấy đã được thông qua. Sau khi bố trí phòng thủ đón địch, đến trưa ngày 6/6/1964, tiếng máy bay địch gầm rú trên bầu trời. Đơn vị được lệnh vào vị trí chiến đấu. "Chỉ vài giây sau, máy đo xạ báo: Máy bay địch ngoài 5 nghìn mét… rồi 4 nghìn… 3 nghìn rưỡi… 3 nghìn. Tôi hạ lệnh: Bắn. Tất cả 12 nòng pháo 14,5 ly chụm nhả đạn vào góc cạnh của tam giác, nơi máy bay địch vừa chạm. Ngay loạt đạn đầu tiên vừa dứt, tiếng động cơ của chiếc F8U Crusader gầm lên, lao vút trên bầu trời cùng cột khói đen kéo dài. Bốc lửa" - Gương mặt ông Quý như dãn ra, đôi mắt rực sáng.
"Chúng tôi còn dõi theo chiếc F8U với cột khói kéo dài và nhìn rõ phi công nhảy dù ra khỏi máy bay. Sau đó, Sư trưởng có điện đàm cho đơn vị và thông báo chiếc máy bay trên đã bị bắn hạ, tên phi công cũng bị Tiểu đoàn 5 Bộ binh của ta bắt được. Sau này, chúng tôi được biết tên phi công là Klusman, thuộc một đơn vị Hải quân của Mỹ" - ông Quý chia sẻ.
Chiếc máy bay đầu tiên bị bắn hạ sẽ không chỉ là một bước ngoặt lịch sử, nó báo hiệu cho một cuộc tập kích khác cam go hơn. Sự trả thù của kẻ địch - Đó là dự đoán không chỉ của ông Quý và đồng đội mà cả của cấp trên. Đúng như đánh giá, ngay ngày hôm sau 7/6/1964, chiếc F8U trinh thám thứ 2 xuất hiện trên khu vực Sở chỉ huy.
"Sau chiến công ấy, chúng tôi đã họp và đưa ra kế sách phòng thủ tiếp theo. Lần này, ngoài việc bố trí trận địa như hôm trước, chúng tôi quyết định rút một xe AM với khẩu 14.5 ly đón lõng trên núi phía sau, ở cuối tuyến phòng thủ. Sau khi chiếc F8U nhào xuống bắn phá 2 quả rocket để thị uy, rồi trồi lên để về căn cứ thì chúng tôi bất ngờ nổ súng. Tuyến phòng thủ đầu tiên bắn dạo, đối kháng. Địch không ngờ chúng ta bố trí đón lõng mới là tử huyệt. Chiếc F8U vừa trồi lên cũng là lúc dính làn đạn này. Một cột khói nữa kéo dài, kèm theo là ngọn lửa bao trùm. Chiếc máy bay thứ 2 đã bị bắn hạ" - ông Quý kể.
Lý giải về việc chưa có sử sách nào ghi nhận về chiến công này ngoài đôi dòng ngắn ngủi trong cuốn Lịch sử Sư đoàn 31 của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Phùng Văn Noãn chia sẻ: "Sau khi hạ 2 máy bay địch, chúng tôi được mời về Quân chủng Phòng không Không quân để báo cáo kinh nghiệm toàn quân. Tuy nhiên, đây là việc bắn rơi ở nước ngoài nên chưa được công nhận" - ông Noãn nói.
Để xác thực hơn về vấn đề bắn hạ 2 máy bay do thám của Mỹ, chúng tôi lần tìm thông tin từ những tờ báo Hoa Kỳ, được biết: Sáng 7/6/1964, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng tải trên Thời báo New York về sự kiện chiếc máy bay phản lực do thám F8U đầu tiên bị bắn rơi. Sau đó, ngày 22/11/1964, Thời báo này tiếp tục đưa tin từ Lầu Năm Góc, cụ thể: Một máy bay phản lực khác của Mỹ bị bắn hạ khi đang bay do thám trên không phận Lào. Bài báo này đã thống kê lại các máy bay của Mỹ đã bị bắn hạ tại Lào, trong đó miêu tả khá chi tiết về hai chiếc F8U đã bị bắn rơi vào các ngày 6 và 7/6/1964, trong đó phi công có tên là Charles F.Klusman - Phi công lái chiếc F8U ngày 6/6 đã bị bắt sống.
Ngoài ra, trong cuốn sách "F-8 Crusader and MiG -17: Vietnam 1965-72" của Peter Mersky và cuốn "A Century of U.S. Naval Intelligence" (Một thế kỷ của tình báo Hải quân Hoa Kỳ) của tác giả Wyman H. Packend cũng đã ghi lại sự kiện này.
Trở về câu chuyện của vị chỉ huy Hoàng Thế Quý, năm 1986, ông nghỉ hưu và trở về xây dựng quê hương với quân hàm Trung tá. Tuy nhiên, mang trong mình dòng nhiệt huyết, khi trở về sống cùng vợ con trong căn nhà nhỏ trên phố Quỳnh Lôi, ông tiếp tục tham gia các hoạt động như Chi hội trưởng hội khuyến học; Ủy viên Mặt trận Tổ quốc; Phó chủ tịch Hội người cao tuổi; Phó ban kiểm tra Đảng… của phường Quỳnh Lôi. Ở cương vị nào, công việc gì ông cũng làm việc bằng sự tận tâm, với trách nhiệm cao cả của một người chiến sỹ kiên trung.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Bùi Thị San, người vợ đầu ấp tay gối của ông Quý chia sẻ: Hồi mới cưới nhau, ông chỉ tranh thủ về nghỉ phép rồi cưới. Cưới xong ông lại lên đường, đi khắp các chiến trường. Đến khi về hưu thì tham gia các hoạt động của phường. Cứ mải miết tối ngày vậy. Tôi cũng quen rồi. Hơn nữa, ông nhà không ngồi một chỗ được". Rồi bà gạt những dòng nước mắt như thương cho số phận của mình, thương cho quãng thời gian được ở bên ông không nhiều: "Hiện ông mắc căn bệnh nặng, lúc điều trị trong viện, lúc về nhà".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.