Ai về quan họ Hội Lim...

Trần Ninh Hồ Thứ tư, ngày 25/02/2015 13:55 PM (GMT+7)
Một trong những cái thú của những ngày xuân thắm tươi và ấm áp là được hành hương về những vùng quê gốc của những làn điệu thân yêu.
Bình luận 0

Có lẽ không riêng gì người Việt mà người nước nào cũng vậy, rất có thể nhãng quên, thậm chí không nhớ cả những nhà thơ, những nhạc sĩ nổi tiếng của một thời nào đó, nhưng không mấy ai lại không nhớ nằm lòng một đoạn, hay một vài bài dân ca. Nhiều khi chỉ cần nghe thoáng qua một vài nốt dạo, dẫu chưa cất thành lời, dân ta đã biết ngay đấy là chèo, xoan, ghẹo, ví, hò, giặm, hay quan họ...

img

Hát quan họ ở Hội Lim (Tiên du, Bắc Ninh).         T.N.H
Nói quê gốc của dân ca quan họ ở Bắc Ninh thì không thể sai được. Nhưng thực ra không phải nơi nào ở Bắc Ninh cũng có hội hát quan họ. Quan họ chỉ có ở những vùng ven sông Cầu, con sông nổi tiếng là xinh đẹp và duyên dáng ấy quả là nguồn mạch của thi ca. Nó toả sự dịu dàng đằm thắm cho hồn người trong suốt 49 làng quan họ, từ cực Bắc là làng Sen Hồ (Bắc Giang) đến cực Nam là làng Ngang Nội (Bắc Ninh), ngót hai mươi cây số theo đường chim bay. Nó mở rộng sang phía đông là làng Tiên Ngoài, sang phía tây là làng Đông Mơi cũng chừng ngót hai mươi cây số nữa. Nghĩa là trong một vùng rộng lớn chừng bốn trăm cây số vuông ấy, mùa xuân, không một nơi nào không có hội quan họ, không có một phút giây nào không có lời ca qua hàng trăm giọng điệu:

 

Hừ la kính chúc mấy lời

La rằng sắp đặt ở nơi ý mình

Tình tang, Bạn lan ố tình

Gạo ngang, Gạo dọc thêm xinh Cái hừng

Cơm vàng, Chiền chiện đã từng

Thơ đúm, Đàn đúm tin mừng phong thư

Cầm bằng, Tình bằng thờ ơ

Lên giọng Đi cấy, Ngâm thơ một mình...

Có Thơ đúm, có Đàn đúm mà hát thì quá vui rồi. Nhưng Cầm bằng gặp cảnh bị thờ ơ thì một mình cũng ngâm thơ, cũng hát! "Xưa nay nam nữ, trẻ, già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh". Mà có thiếu gì những giọng "Năm cung lẩy lót, Mười cung dãi lòng" đâu!

"Cái tôi" trong tình yêu cứ ngỡ là đến thời Thơ Mới sau này mới có. Nào ngờ quan họ đã có hẳn một bài ca có cái tên "Tôi rằng" với lời ca:

Nhớ ai nhớ mãi thế này

Nhớ đêm không ngủ, nhớ ngày quên ăn...

Trăm năm duyên bén sắt cầm

Nỗi lòng tôi biết âm thầm cùng ai...

Còn non, còn nước, còn người

Còn chơi Quan họ còn người ở đây!...

Người ta khuyên nhau:

Gái chưa chồng chơi hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Sơn Tây có chùa Thầy. Bắc Ninh cũng có chùa Thầy, ai cũng biết. Nhưng còn hang Cắc Cớ thì cho đến nay, tò mò đã nhiều, tôi vẫn chưa tìm ra là nó ở đâu, không rõ nó là danh từ hay chỉ là một thứ... hình dung từ?

Mà thôi, tìm mãi, có khi mất công, cạn cả ngày xuân thì cũng tiếc, chi bằng ta cứ ăn chắc là cầm lấy tờ lịch của bốn mươi ngày hội này mà du xuân, trọn vẹn cả cái tháng Giêng, bắt đầu kể từ mồng 4, nghĩa là sau 3 ngày tết, bạn cứ đếm cho đến hết con số 30, theo các địa danh: Chắp, Ó, Muối, Dạm, Bưởi, Ném, Sẻ, Đống Cao, Báng, Nhồi, Khám, Chọi, Đọ... Rồi là hỏi thăm. Mà có lẽ cũng chả cần hỏi thăm, người ở đây sẽ rủ bạn, nếu quả thật bạn là người ''chịu chơi'' theo nghĩa đẹp. Chẳng hiểu các cụ ngày xưa thu xếp công việc thế nào, tiền gạo ở đâu, và không biết đã hàng mấy trăm năm rồi, năm nào cũng thế! Khiếp thế!

Bây giờ ta thử tìm hiểu một ngày hội có tiếng nhất trong toàn quốc mà lâu nay ta có cảm giác là ngày hội Cả của tục hát quan họ - Hội Lim.

Thực ra trong cả 49 làng quan họ nối tiếp nhau mở hội trong suốt cả tháng Giêng lấn sang cả đến rằm tháng Hai, mà hội nào cũng đông vui, hấp dẫn bởi những phong tục, cốt cách riêng, thì không thể nào có việc hội này là hội Cả, hội kia 1à hội Phụ. Ví dụ nếu như hội Bùi hấp dẫn người ta bởi tục hát dưới thuyền thì hội Ó lại hấp dẫn người ta ở cảnh họp chợ ban đêm bán gà đen với cảnh mua bán không có sự đếm tiền, ai bị thiệt trong việc mua bán này lại được kể là điềm may mắn trong cả một năm...

Cả một vùng quan họ bao la, với nhiều hội hè vui thế, nhưng tại sao Hội Lim lại nổi tiếng đến như thế?

Có người cho rằng vì Lim là một làng gần với kinh đô Thăng Long xưa kia và Hà Nội ngày nay, ngay kề Quốc lộ 1A, chỉ nửa giờ đi ngựa, vài giờ đi bộ, hoặc bây giờ chừng hai mươi phút ô tô, xe máy...

Có người cho rằng Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng đúng vào độ trăng sáng, công việc đồng áng, bán buôn rỗi rãi...

Tất cả những lý do trên đều đúng, nhưng đấy không chỉ là những thuận tiện cho riêng Hội Lim. Có lẽ điều quan trọng hơn chính là nơi hội tụ của nhiều những di tích lịch sử nổi tiếng, nơi phát tích của triều Lý, một vương triều mang nhiều huyền thoại nhất trong những vương triều, có nhiều gắn bó với những di tích của đạo Phật ở Việt Nam đã từng có thời kỳ trở thành quốc giáo. Về đây, người ta được sống trong một tâm trạng của kẻ hành hương về một vùng thánh địa!.

Ở đây còn có dấu vết của một huyền thoại tình yêu tuyệt vời nhất trong những huyền thoại về tình yêu, đấy là những đoạn sông Tiêu Tương nơi chàng Trương Chi đã từng chèo thuyền hát những bài ca tha thiết nhất về một tình yêu không bao giờ đạt tới với nàng Mỵ Nương kiều diễm.

Đến đây người ta có thể đi dạo trên những con đường mà Ỷ Lan Nguyên phi đã từng đi hái dâu và trẩy hội. Và ai dám bảo rằng các chàng trai trẻ thập phương không nhen lên trong lòng mình nỗi phấp phỏng về những cuộc kỳ ngộ vởi những cô gái duyên dáng của vùng Nội Duệ, Cầu Lim?...

Có lẽ cũng vì thế mà cho đến tận hôm nay, tôi lại phải viết ít dòng về Hội Lim quan họ với rất nhiều rủ rê, không giấu giếm:

Mặt trời đã tối

Đám hội đã tàn

Cái phận hồng nhan

Người đưa về cả

Cái giòn cái giã

Ở cả nơi người

Nơi đứng nơi ngồi

Càng trông càng vắng!

Trong thì xe thắm

Ngoài thì xe thâm

Mong kết tri âm

Sao người chẳng biết...

Hội tan rồi mà dư âm còn đến vậy. Lời một bài ca kết Hội Lim đấy! "Cái phận hồng nhan/ Người đưa về cả/Cái giòn cái giã/Ở cả nơi người", vậy thì chỉ còn có cách là đợi hội này năm sau. Ta mới hiểu vì sao người ta hát trên thuyền đến thâu đêm như lời khúc ca "Nguyệt gác mái đình", "Ngồi tựa song đào"...

"Nguyệt rằng nguyệt gác mái đình

Chén son chưa cạn cuộc tình đã say...

Ngồi rằng ngồi tựa song đào

Hỏi người quân tử ra vào có thấy vấn vương...

Người đã đẹp, nết lại xinh, ngồi tựa song đào mà hỏi người ta như thế thì ai mà trả lời một cách thông thường được. Đành là phải mượn lời ca ngày hội mà thôi.

Quan họ chỉ có ở những vùng ven sông Cầu, con sông nổi tiếng là xinh đẹp và duyên dáng ấy quả là nguồn mạch của thi ca. Nó toả sự dịu dàng đằm thắm cho hồn người trong suốt 49 làng quan họ.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem