Alibaba bị "xử", nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc "lĩnh đòn"
Alibaba bị "xử", nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc cũng sắp "lĩnh đòn"
Huỳnh Dũng
Thứ năm, ngày 15/04/2021 10:50 AM (GMT+7)
Hàng loạt công ty Big Tech khác của Trung Quốc lại sắp lên “dàn hỏa” trước lời cảnh báo cực gắt từ Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR), sau án phạt 2,75 tỷ đô la lên Alibaba.
Mới đây, Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) vừa chính thức réo tên 34 công ty bao gồm cả Tencent, ByteDance và JD.com trong một cuộc họp, cơ quan yêu cầu hàng loạt các công ty này tự tiến hành kiểm tra lại các hành vi lợi dụng vị thế thống trị thị trường trong vòng một tháng và nếu có vi phạm thì sẽ tự phải chấn chỉnh lại ngay. Bằng không tất sẽ tiếp tục chịu lệnh trừng phạt nghiêm khắc, SAMR lên tiếng khẳng định.
Alibaba chịu phạt nặng và bài học cảnh tỉnh
Bởi theo SAMR thì hành vi ép buộc các nhà cung cấp chỉ hoạt động trên một nền tảng là một chiến thuật được gọi là "chọn một trong hai" và đây là một quy chế này cực kỳ có hại và phải được thay đổi sớm.
Ngoài Tencent, JD.com và ByteDance, gã khổng lồ tìm kiếm Baidu và nền tảng giao đồ ăn Meituan cũng nằm trong số các công ty bị SAMR gọi tên. Tuy nhiên, đại diện các công ty trên chưa có phản hồi chính thức nào.
Gần đây nhất, nhà chức trách Trung Quốc đã ra quyết định phạt tiền 18,23 tỷ Nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) đối với tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba trong cuộc điều tra chống độc quyền, cáo buộc Alibaba lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để trục lợi.
Trong một thập niên qua, hoạt động kinh doanh của Alibaba đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực mua sắm trực tuyến, lấn sang các mảng như hậu cần, giải trí, truyền thông xã hội và nhiều mảng khác. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng, quy mô của Alibaba làm giảm "đường sống còn" của các đối thủ cạnh tranh và hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Vào tháng 12/2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra hành vi kinh doanh độc quyền của Alibaba. Cuộc điều tra chủ yếu tập trung vào việc Alibaba đã buộc các nhà cung cấp chỉ được chọn nền tảng thương mại điện tử của công ty hoặc của công ty khác, chứ không được phép hoạt động trên cả hai nền tảng.
Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh chính sách "chỉ được chọn một" cùng với loạt chính sách khác đã giúp Alibaba củng cố vị trí của mình trên thị trường và có được những lợi thế cạnh tranh không công bằng. Điều này đã khiến tập đoàn bị phạt nặng nề.
Sau cùng, "Alibaba đã chấp nhận khoản phạt của cơ quan chức năng với sự chân thành", thông báo của Alibaba cho biết. "Để thực hiện trách nhiệm với xã hội, Alibaba sẽ tuân thủ pháp luật với sự làm việc chăm chỉ, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sự đổi mới sáng tạo".
Ngoài khoản tiền phạt 2,8 tỉ đô la (tương đương 4% doanh thu nội địa của Alibaba trong năm 2019), SAMR cũng yêu cầu Alibaba cải tổ toàn diện hoạt động và nộp các báo cáo tuân thủ và tự kiểm tra các hệ thống nội bộ cho SAMR trong liên tục 3 năm tới.
Được biết, quy định chống độc quyền đã có từ lâu ở Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền nước này chính thức tiến hành điều tra. Đây cũng được đánh giá là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc.
Như vậy, sau các động thái gay gắt ở trên, có thể thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang bắt đầu mạnh tay trong chiến dịch siết chặt quản lý đối với các công ty công nghệ. Bởi giới chức Bắc Kinh ngày càng quan ngại về quyền lực của các hãng công nghệ khổng lồ, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, Cơ quan quản lý thị trường của nước này đã đề xuất sửa đổi luật chống độc quyền, trong đó sẽ có các điều khoản nghiêm ngặt hơn đối với các nền tảng trực tuyến lớn như của Alibaba.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.