Hoàng Ba Đình.
Chủ nhật, ngày 13/02/2022 10:09 AM (GMT+7)
Cả nước đã về “vùng xanh”, trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cho toàn bộ học sinh – sinh viên trở lại nhà trường vào ngày 14/2. Và Sài Gòn, với vai trò trung tâm giáo dục của cả nước lại dang rộng vòng tay đón các bạn sinh viên rời nhà quay trở lại thành phố tiếp tục học tập.
Nếu như 2 ngày thứ bảy, chủ nhật tuần trước là cao điểm trở lại thành phố của người lao động thì 2 ngày thứ bảy, chủ nhật tuần này (12-13/2) lại là ngày "trở về" của các bạn sinh viên. Các bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương...những ngày này không thiếu cảnh các bạn sinh viên tay xách nách mang, khệ nệ mang vác hành lý trở lại thành phố sau gần cả năm về quê chống dịch Covid-19.
Sinh viên Thùy Linh (Cà Mau) cho biết, bạn về quê nghỉ hè năm ngoái. Ai ngờ nghỉ một cái tới qua Tết luôn mới lên lại Sài Gòn. Cũng may là chủ phòng trọ không di dời đồ đạc. Nay lại trở lại thành phố để tiếp tục đến trường, gặp lại bạn bè thầy cô, bạn rất phấn khởi.
Còn Minh Tuấn (Bình Phước) lại chia sẻ rằng: " Hồi đó mình về nhà bạn gái ở Đồng Nai chơi. Tính ở chơi vài bữa rồi thôi, ai dè kẹt lại mấy tháng, chẳng khác nào "ở rể" bất đắc dĩ. Giờ quay lại học trực tiếp, chấm dứt cảnh học online, mình hết sức vui mừng".
Tại các xóm trọ gần các trường đại học, hàng loạt sinh viên cũng tìm đến để thuê phòng. Cảnh hành lý lỉnh kỉnh, đi từng nơi, dò từng phòng quả không hiếm. Y như cái cảnh sinh viên ở tỉnh mới lên Sài Gòn nhập học đi hỏi phòng, dù hiện tại đang giữa năm học.
Anh Đa, chủ nhà trọ trên đường Trần Thị Trọng (Tân Bình) cho biết: "Phòng trọ của tôi được lợi thế gần các trường như Cao đẳng Văn hóa Du lịch, Đại học Công nghiệp thực phẩm... nên trong tuần qua có rất nhiều sinh viên đến hỏi phòng. Tuy nhiên hiện tại bên tôi cũng đã hết chỗ rồi".
Ngoài tình hình các bạn sinh viên từ dưới quê lên, thì thành phần kẹt lại Sài Gòn cũng tiến hành chuyển trọ. Bạn Xuân Huỳnh (Đại học Hutech) kể, trường bạn học ở Bình Thạnh. Trong lúc dịch Covid-19, Huỳnh tìm được một công việc làm thêm là tổng đài viên ở quận Tân Phú nên lúc đó bạn cũng tạm chuyển trọ trọ sang bên Tân Phú để tiện đi làm.
Hiện tại, ngay khi biết được đã được đến trường trở lại, Huỳnh cũng tiến hành chuyển trọ lại về gần trường để thuận tiện cho việc học. "Còn với việc làm thêm, chắc tôi sẽ tìm một công việc nào khác phù hợp hơn. Trước mắt, cứ dời trọ, ưu tiên việc học trước đã", Huỳnh nói.
Bên cạnh đó, không thiếu những trường hợp dọn tới dọn lui, lại dọn ngay lại phòng trọ cũ. Hẻm 333 Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), do nằm gần trường Đại học Tài nguyên và Môi trường nên cũng tấp nập sinh viên đến hỏi trọ. Nghi Nguyễn, sinh viên của trường sau một thời gian dọn đi, nay cũng đã trở về đúng khu phòng trọ cũ.
Nghi Nguyễn cho biết mặt bằng giá phòng trọ hiện tại không hề cao hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Do nhận thức được tình hình khó khăn của sinh viên nói riêng và xã hội nói chung nên các chủ trọ cũng ít tăng giá. Sau một thời gian dời đi, nay chuyển trọ trở lại nơi này, Nguyễn thấy khu vực nhà trọ có chất lượng được cải thiện hơn hẳn.
Theo như lời của ông chủ nhà trọ thì thời gian lúc trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người về quê nghỉ dịch, phòng trọ thưa vắng, nên chủ trọ đã tiến hành cải tạo lại phòng ốc. "Nhà vệ sinh sạch sẽ hơn, phòng trọ cũng tươm tất thấy rõ, dây điện - ống nước... cũng được thay mới. Nói chung mình khá hài lòng khi quay về xóm trọ trong hẻm 333 Lê Văn Sỹ này", Nghi Nguyễn cười tươi nói.
Nếu ai từng kiếm phòng trọ, chuyển trọ thì hẳn biết rằng việc này khá vất vả và mệt mỏi. Nhưng đặc biệt, riêng kỳ chuyển trọ này của sinh viên Sài Gòn, hầu như chẳng thấy ai than thở cả. Tất cả đều mong gấp rút sớm có chỗ ở yên thân để tiếp tục hành trình chữ nghĩa.
Nhưng bên cạnh đó, không ít sinh viên sau khi về quê đã không trở lên lại Sài Gòn. Một số bạn về quê, xin được việc làm nên ở lại quê luôn. Hoặc có trường hợp ở quê lập gia đình luôn, giờ bụng mang dạ chửa, chuyện học đành xếp lại, bảo lưu kết quả học tập, chờ ngày bầu bì xong xuôi mới tính đường học tiếp.
Đặc biệt, có những gia đình vẫn nặng tư duy áp đặt, còn mang nỗi sợ hãi mơ hồ, nên cấm hẳn con cái quay lại nhà trường. Chẳng hạn như Tuyết Nhi (Đại học Tài chính Marketing) ngậm ngùi kể: "Hồi dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái, mình cũng về quê ở An Giang. Dù hiện đã có thể đi lại bình thường nhưng nhà mình ngại nên không cho đi. Biết được thông tin sắp được đi học trở lại, mình cũng xin phép gia đình nhưng ba mẹ cũng không cho".
Nhìn các bạn lục tục lên Sài Gòn, Tuyết Nghi thấy buồn tủi quá. Bạn quyết định tiếp tục thuyết phục cha mẹ đến khi được mới thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.