Xây bản làng bền vững
Trong căn nhà gỗ rộng lớn trên đỉnh Pá Nó ở xã Chiềng Cang, lão nông Lù A Tếnh - dân tộc Mông, kể cho tôi nghe về quá trình định cư, làm giàu của mình, của bản. Lão Tếnh bảo rằng, người Mông quen sống trên những rặng núi cao và có tập tục di cư trong nhiều đời qua để tìm đất mới tiện lợi cho sản xuất, sinh sống. Nhưng mỗi lần di cư đến một nơi ở mới là quá trình đồng hành với đói, khổ, phá rừng, cạnh tranh nương rẫy, nguồn nước… với các dân tộc sở tại. Những năm gần đây, hầu hết người Mông ở vùng cao Sông Mã cũng như ở Sơn La đã thực hiện định cư, định canh, hình thành những bản làng bền vững...
Thì ra người Mông ở Pá Nó đã hiểu được rằng sự di cư liên tục của họ đã gián tiếp tạo ra những bất bình đẳng so với các dân tộc khác từ nhiều góc độ khác nhau. Những lần bỏ bản đi tìm nơi ở mới của họ không chỉ gây ra những bất cập cho người dân sở tại nơi họ chuyển đến mà còn gây khó khăn cho quá trình quan tâm đầu tư của Nhà nước. “Nhà nước có muốn giúp dân, muốn làm cho dân con đường lớn, cái điện thắp sáng, cái lớp học, trạm y tế... cũng không thực hiện được. Bây giờ định cư là có thêm nhiều cái mới, cái hay. Mới nhất là cái điện lưới quốc gia Nhà nước vừa kéo cho dân bản tháng vừa rồi. Có đường tốt là dân có xe máy, ô tô; có nương vườn ổn định là có đàn trâu, bò lớn; có vườn cây ăn quả; có nhiều gia súc, gia cầm. Trẻ con trong bản có lớp học chữ, sức khỏe con người có trạm y tế chăm lo...” - lão Tếnh bảo vậy.
Ngay dưới chân dãy núi Pá Nó, ông Lò Văn E - dân tộc Thái, là nông dân giỏi ở bản Bó Lạ, xã Chiềng Cang đang lúi húi chăm sóc vườn cây ăn trái của mình. Ông bảo: Sông Mã là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em nhưng tình đoàn kết thì rất lớn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất công bằng. Bởi thế các dân tộc đều có điều kiện phát triển thuận lợi.
Chung một ước mơ
Tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hàng năm giảm từ 2-3%, hiện chỉ còn dưới 27,7%; bình quân thu nhập đầu người đã tăng lên hơn 10,8 triệu đồng năm 2014...
Đến xã Huổi Một, gia đình ông Lò Văn Cấu (dân tộc Xinh Mun) đang có một “cuộc họp gia đình để bàn về hướng đầu tư làm ăn trong thời gian tới” - như lời ông Cấu nói. Việc cần bàn của gia đình ông chính là “sang năm sẽ phải bắc thêm ống dẫn nước từ trên rừng về để khai hoang thêm mấy ngàn m2 ruộng nước, làm thêm 2 cái ao thả cá và mua thêm được ít nhất là 1 cặp trâu, 1 cặp bò sinh sản. Huyện đã cho chúng ta vay vốn để phát triển sản xuất, tập huấn khuyến nông và hỗ trợ mình những cây giống, con giống tốt... vì thế không thể đói nghèo mãi được” – ông Cấu bảo với mọi người trong nhà.
Tâm sự với tôi, ông bảo: Người Xinh Mun vốn là một dân tộc đặc biệt khó khăn trong số các dân tộc thiểu số ở Sông Mã. Bây giờ Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ nhiều, điều kiện xóa nghèo cũng rất thuận lợi, chúng tôi cũng phải bảo nhau đồng lòng xóa nghèo, xây dựng quê hương…
Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Mã - ông Nguyễn Văn Cảnh, trong 5 năm vừa qua, toàn huyện đã có gần 18.000 lượt hộ DTTS được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số hơn 288 tỷ đồng. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… cũng được huyện cân đối để đảm bảo những điều kiện phát triển tốt nhất cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.