Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam?

Hoàng Quyên (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 17/11/2023 07:00 AM (GMT+7)
Là món bình dân, nhưng ba món đặc sản này bánh sắn, bánh chưng, xôi nếp gà gáy Mỹ Lung của Phú Thọ được bính chọn lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam.
Bình luận 0

Phú Thọ là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, Phú Thọ là đất cội nguồn, đất của thế dựng nước và giữ nước, của các danh thắng, của các sản vật thiên nhiên độc đáo.

Phú Thọ còn là điểm đến hấp dẫn du khách bởi ẩm thực phong phú, đa dạng của các món ăn, ở tính chất vùng miền, mỗi vùng quê trong tỉnh lại có những món ăn đặc trưng mang đậm đà bản sắc. Ẩm thực Phú Thọ có ba loại rất đặc thù là món ăn gắn liền với lễ hội, văn hóa tâm linh, món ăn là đặc sản của vùng và món ăn thường ngày của người dân.

Trong đó ba món ăn bình dân nhưng mang đậm nét văn hóa, bản sắc và câu chuyện lịch sử của Phú Thọ được bình chọn là Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam 2022.

Ẩm thực Phú Thọ: Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 1.

Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của Phú Thọ. Ảnh: DulichPhuTho

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 70km, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập là nơi nổi tiếng với đặc sản gạo nếp Gà Gáy – sản vật truyền thống của người dân tộc Mường.

Khác hoàn toàn với các loại lúa khác, nếp gà gáy là giống lúa nếp dài ngày, việc chăm sóc cũng rất khó. Nếp gà gáy Mỹ Lung được trồng từ tháng 5 đến tháng 10, hạt gạo to, mẩy, trắng, lúa chưa chín nhưng chỉ đi qua cánh đồng lúa người ta đã được đắm mình trong hương lúa non ngào ngạt đến mê người.

Cách nấu xôi nếp gà gáy rất đơn giản, không cần quá cầu kì. Chỉ cần đãi gạo sạch, sau đó cho vào chõ xôi và đồ lên. Xôi có vị thơm ngào ngạt, dẻo bùi và không dính tay. Ăn xôi chấm kèm muối vừng thơm nức khiến du khách khi thưởng thức sẽ không thể nào quên được vị mộc mạc, đầm đà hiếm có. Xôi càng nắm càng dẻo, đặc biệt người Mường thường gói xôi vào lá dong hoặc lá chuối để thưởng thức. Dù có để trong tủ lạnh thì hôm sau xôi vẫn dẻo thơm mà không cần xôi lại.

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 2.

Ẩm thực Phú Thọ. Xôi nếp gà gáy Mỹ Lung. Ảnh: DulichPhuTho

Theo người dân nơi đây, câu chuyện xôi nếp gà gáy Mỹ Lung có một câu chuyện rằng, tương truyền xưa kia có một đôi trai gái yêu nhau và họ quyết định đến với nhau, hai bên gia đình tổ chức đám cưới đúng theo phong tục tập quán của dân tộc Mường, trước khi về nhà chồng cô gái được mẹ đưa cho một túi lúa và dặn đây là giống lúa rất ngon con mang về bên đó để phòng thân (đó cũng là của hồi môn mà bố, mẹ dành cho con gái). Do gia đình nghèo nên người con gái cũng không đòi hỏi gì thêm. Sau đám cưới được vài ngày mẹ chồng nói với con dâu ngày mai nhà mình làm cơm mời vị trưởng tộc sang dùng bữa con giúp mẹ làm cơm nhé cô con dâu vui vẻ nhận lời và định bụng sau bữa cơm tối sẽ mang lúa ra giã để ngâm gạo sáng mai đồ xôi.

Tuy nhiên cô gái mải quấn quýt bên chồng mà quên lời mẹ dặn, đang ngủ say chợt cô nghe văng vẳng bên tai tiếng gà gáy cô giật mình tỉnh giấc vội vàng mang lúa đi giã để lấy gạo đồ xôi, gạo đã giã xong cô đem vo sạch và ngâm trong nước, do thời gian ngâm chưa được lâu nhưng vì để kịp bữa nên cô đã vớt gạo ra, để ráo nước và đưa vào đồ xôi, bữa cơm hôm đó vị trưởng tộc cùng mọi người cứ tấm tắc khen cơm xôi ngon dẻo mà lại thơm nữa, không biết là xôi gạo gì, mẹ chồng quay sang hỏi con dâu con xôi bằng gạo gì mà ngon thế, cô nghĩ ngợi một chút và trả lời dạ con xôi bằng gạo nếp Gà gáy ạ.

Mẹ cô lại tò mò hỏi cái tên nếp Gà gáy nghe lạ lắm là cơm xôi ăn với thịt gà à, cô đỏ mặt ngượng ngùng kể lại chuyện do tiếng gà gáy canh ba đã đánh thức cô như thế nào nhờ có tiếng gà gáy mà cô đã có một bữa cơm thịnh soạn, và cái tên gạo nếp Gà gáy từ đó được mọi người biết đến, tới đây vị trưởng tộc hỏi cô gái giống lúa này xuất xứ từ đâu cô gái đáp dạ là do mẹ con cho ạ, vị trưởng tộc tiếp tục hỏi thế có còn không lúc này cô gái từ từ đi vào trong phòng tay cầm ra một cái túi trong còn sót lại mấy hạt lúa, mọi người túm vào xem và nói đây là giống lúa quý hiếm cần phải giữ gìn để nhân giống.

Ẩm thực Phú Thọ: Bánh chưng

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 3.

Bánh chưng đất Tổ. Ảnh: Huy Hoàng

Hình ảnh chiếc bánh chưng xanh gắn liền với truyền thuyết thuở xa xưa vẫn luôn gợi nhắc lòng tri ân, thành kính nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của mỗi người con đất Việt, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về.

Bánh chưng Đất Tổ - là thương hiệu đặc sản của xã Cát Trù (nay là xã Hùng Việt), huyện Cẩm Khê – tỉnh Phú Thọ. Nơi đây được biết đến là vùng đất có truyền thống lâu đời, các nghệ nhân giàu kinh nghiệm làm ra những chiếc bánh chưng thơm ngon dâng lên Vua Hùng. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, Cát Trù có được một dải bãi bồi đầy ắp phù sa, cây cối xanh tốt với những vườn lá dong xanh ngát trải dài. Nhờ đó mà làng nghề gói bánh chưng tại đây có điều kiện để phát triển và tồn tại đến tận ngày nay.

Nguyên liệu để làm ra một chiếc bánh chưng Đất Tổ cũng bao gồm: Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong… Nhưng có lẽ điều làm nên sự khác biệt của chiếc bánh nơi đây là việc kỹ càng, khắt khe ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn chỉnh một chiếc bánh. Gạo nếp được chọn làm bánh phải là loại gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp Nhung – những loại gạo này hạt dẻo, đều nhau và sẽ tạo nên một hương thơm đặt biệt cho chiếc bánh. 

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 4.

Bánh chưng đất Tổ nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh: DulichPhuTho

Đỗ xanh được dùng làm nhân phải là loại đổ hạt gié, nhỏ và được chế biến cẩn thận đến khi nấu chín nhân bánh mới thơm ngon. Khi gói bánh cần chặt tay thì bánh mới rền và dẻo, nếu như gói lỏng tay khi bánh chín sẽ bị nhão và không còn được vuông vắn. Một nguyên liệu không thể thiếu khi gói bánh chưng đó là lá dong, phải chọn những chiếc lá vừa phải không quá già, cũng không được quá non vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc của chiếc bánh. Đặc biệt, bánh được làm với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên không hề có chất phụ gia, bảo quản, nên bánh đảm bảo an toàn thực phẩm.

Khâu luộc bánh cũng rất quan trọng, bánh được xếp vào nồi, đổ ngập nước mưa sau đó được đun bằng củi từ 10 – 12 tiếng, khi luộc bánh phải túc trực củi, kiểm tra nước thường xuyên để tránh bánh bị cháy.

Khi bóc bánh chưng, màu xanh của hạt gạo nếp trông thật đẹp và ngon mắt, khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được độ dền, nền và thơm của bánh, vị ngậy, ngọt của thịt lợn quyện lẫn vị bùi của nhân đậu xanh, chắc chắn du khách sẽ nhớ mãi không quên.

Ẩm thực Phú Thọ: Bánh sắn

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 5.

Bánh sắn Phú Thọ trở thành món ăn đặc sản bình dân của người dân nơi đây. Ảnh: My Na

Bánh sắn Phú Thọ trở thành món ăn đặc sản bình dân của người dân nơi đây. Bánh sắn đã trở thành loại bánh nổi tiếng và thu hút du khách.

Theo người dân nơi đây, bánh sắn trước kia là món ăn của con nhà nghèo. Trước đây, cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân Phú Thọ thường lấy sắn về phơi khô, xay thành bột rồi làm bánh để ăn chống đói. Bánh sắn lúc đó không có nhân, người ta phải lấy đũa chọc một lỗ ở giữa cho bánh nhanh chín và chín đều. Bởi vậy, người địa phương thường gọi là bánh sắn nhân đũa.

Để làm bánh sắn ngon, theo người dân nơi đây cần chuẩn bị những nguyên liệu gồm bột sắn; Thịt nạc vai xay (chọn nhiều mỡ 1 chút); Đậu xanh bóc vỏ, ngâm mềm; Hành khô thái lát; Mỡ lợn; Lá chuối.

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 6.

Ẩm thực Phú Thọ. Ảnh: My Na

Cách làm nhân bánh là đậu xanh được nấu chín bóp hoặc giã nhuyễn, với chút muối. Nên nấu đậu ướt 1 chút, khi hoàn thành ăn bánh sẽ mềm ngậy hơn. Bên cạnh đó phi hành thơm, trộn lẫn với thịt xay nêm nếm mắm, hạt tiêu xào chín.

Sau đó đổ phần đậu vào xào cùng với thịt luôn (hoặc trộn 2 loại nhân với nhau sau cũng được. Với vỏ bánh là bột sắn, có lẽ là khác với cách nhào tất cả các loại bột làm bánh khác, vì bạn phải nhào bằng nước sôi. Đổ lượng bột vừa đủ theo nhu cầu vào 1 chiếc tô rồi rót nước đun sôi vào. Vừa rót nước vào vừa lấy đũa trộn bột lên.

Nước cho lượng vừa phải, nếu khô thì sẽ cho thêm nước sau. Sau đó dùng tay nhào trộn bột thật kỹ sao cho bột dẻo mịn là được. Chia bột bánh thành từng phần nhỏ, đủ cho mỗi chiếc bánh.

Và nguyên liệu cuối đó là lá chuối cũng được người nấu chuẩn bị kỹ, bằng rửa sạch cho vào nồi nước sôi trần qua cho lá mềm. Xé lá thành từng phần nhỏ đủ cuốn vào chiếc bánh.

Phú Thọ: Ba món đặc sản bình dân có gì ngon mà lọt Top Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam - Ảnh 7.

Bánh sắn đã được hấp chín. Ảnh: Minho’s Kitchen

Và khâu cuối cùng là nặn và hấp bánh. Người nấu sẽ dàn mỏng rồi cho nhân bánh đã trộn vào, bọc kín bột lại, nặn bánh tròn hoặc dài tùy sở thích. Múc thêm 1 thìa mỡ hành phi. Hành mỡ phi giúp bánh vừa thơm, nhân lại béo ngậy nhưng không ngán. Sau đó, cuốn lá chuối vào từng chiếc bánh và đặt vào xửng hấp. Lá chuối khiến bánh dậy mùi thơm rất đặc trưng mà lại không bị dính vào nhau khi hấp chín.

Khi bánh chín, lớp vỏ chuyển sang màu đục trong, hơi nâu, có thể xen lẫn màu xanh của lá chuối. Những chiếc bánh nóng hổi, bốc khói nghi ngút và thơm mùi của sắn, của thịt băm chưng hành khiến du khách cũng muốn ăn ngay lập tức.

Lớp vỏ bánh mềm dẻo, hơi dai, thơm mùi bột sắn và lá chuối, hòa quyện với phần nhân béo ngậy từ thịt lợn, vị giòn giòn của mộc nhĩ, tạo thành thức quà quê làm say đắm bao thế hệ người con của vùng đất Phú Thọ và cả khách thập phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem