Ấm tình những ngôi nhà 167

Thứ tư, ngày 16/03/2011 22:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tết Tân Mão vừa qua, niềm vui như vỡ oà, khi hàng trăm hộ nghèo ở huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hoá) được đón Tết trong những ngôi nhà khang trang.
Bình luận 0

Ông Ngô Thọ Dong - Chủ tịch UBND xã Phúc Đường hồ hởi: "Chúng tôi có cả một "bản 167" đấy! Từ khi có nhà mới, bà con phấn khởi lắm, nhà nào cũng chăm chỉ trồng lúa, ngô, nuôi trâu, bò, lợn, gà… Bà con không còn vào rừng đốt than như trước nữa".

"Bản 167" ơn Đảng

img

Trại nuôi lợn của chị Hoàng Thị Tới.

Bản Cả Đựa - nơi từng được mệnh danh là "bản hoang" nằm treo leo giữa lưng chừng núi Voi và khu rừng 39 dốc, cách trung tâm xã gần chục cây số. Bản có 14 hộ với 50 nhân khẩu, 95% là dân tộc Thái, 100% số hộ nghèo. Theo ông Dong, trừ những người ở nơi khác đến làm dâu, từ người già, đến trẻ con sinh ra ở làng này đều mù chữ.

Ông Lê Đình Dân- Trưởng bản Cả Đựa cho biết: Cả bản có gần 2 mẫu ruộng, cấy một vụ nên năm nào các hộ cũng thiếu ăn từ 6-8 tháng. Hàng ngày người dân vào rừng đào củ mài, đốn củi, đốt than gánh xuống trung tâm xã để đổi gạo. Lo cái ăn còn chưa xong, nên việc xây nhà kiên cố với họ là giấc mơ xa vời. Tháng 10.2010, tin bản Cả Đựa được Nhà nước hỗ trợ xây nhà kiên cố và được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH)cho vay 8 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, bà con cứ ngỡ đang mơ!

Chị Lự Thị Hoan từng có một gia đình đầm ấm. Sau một trận sốt rét, chị mắc chứng bệnh lúc nhớ, lúc quên. Chồng chị bỏ chị theo người khác. Sống lủi thủi giữa núi rừng, chị Hoan quyết định "xin" 2 đứa con để làm chỗ dựa lúc tuổi già. "Ba mẹ con chỉ có hơn một sào ruộng, năm nào cũng thiếu ăn 5-6 tháng. Nhà dột nát, nắng còn đỡ, chứ mưa nhiều đêm 3 mẹ con ôm nhau thức thâu đêm. Nay có nhà kiên cố, có giếng nước sạch, mẹ con tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm" - chị Hoan xúc động nói.

Anh Lự Văn Oanh có 5 con, nhưng không ai được đến trường. Ruộng ít, mải lo miếng cơm, manh áo, con người chui ra, chui vào trong túp lều hơn chục mét vuông. Khổ nhất khi con cái lớn, muốn một chỗ kín đáo để thay đồ cũng không có. Ước mơ đó đã thành hiện thực, khi gia đình anh được hưởng Quyết định 167. Ngày lên nhà mới, nhiều người mừng anh đôi gà, vịt, anh đều giữ lại làm giống. "Có nhà rồi, mình phải lo làm ăn để không phụ lòng Nhà nước, phụ lòng bà con"- anh Oanh chia sẻ.

Làm giàu

img Năm 2010, Ngân hàng CSXH huyện Như Thanh có dư nợ 178, 616 tỷ đồng với 15.323 hộ vay. Trong đó cho vay hộ nghèo làm nhà ở là 411 hộ, tổng số tiền 3,288 tỷ đồng; cho vay đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn 349 hộ, với số tiền 1,745 tỷ đồng. img

Nếu không có Nhà nước hỗ trợ, không biết cuộc đời của anh Quách Văn Thanh, đội 7, xã Xuân Phúc sẽ đi về đâu. Năm 1996, trong một phút nông nổi, vì bắn súng gây thương tích cho người khác, anh đã dính vào vòng lao lý, thụ án 12 năm tù. Nhờ cải tạo tốt, năm 2000 anh được đặc xá.

"Năm đó, Hội ND xã cho gia đình tôi vay 5 triệu đồng. Tôi sửa lại cái nhà và mua 5 con lợn giống về nuôi. Bán lứa lợn đầu được 7 triệu đồng. Khi đó, xã đang có phong trào nuôi dê, tôi chuyển sang nuôi 30 con dê" - anh Thanh tâm sự. Năm 2006, bán dê và vay thêm 6 triệu đồng Ngân hàng CSXH, anh cất nhà mái bằng. Song trận dịch năm 2007, đàn dê đang lớn nhanh như thổi bỗng lăn đùng ra chết, anh lỗ gần 100 triệu đồng. Không nản, anh chuyển sang nuôi lợn và trồng rừng. Đến nay gần 3ha rừng keo của anh đã khép tán, sắp được thu hoạch.

Năm 2007, gia đình chị Hoàng Thị Tới, ở đội 8, xã Xuân Phúc được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng, chị mua 2 con bê. Sau 3 năm, đàn bò của chị đã tăng lên 7 con. Năm 2008, bán đàn bò được gần 30 triệu đồng, chị vay thêm 10 triệu đồng và chuyển sang nuôi lợn. Mỗi năm chị nuôi 3 lứa, thu 140 triệu đồng. Năm 2009, chị đã ra khỏi diện hộ nghèo. Ngôi nhà lụp sụp của gia đình chị tới giờ đã thay thế bằng ngôi nhà tầng khang trang...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem