Ăn cá mó biển, 3 người trong gia đình nhập viện vì ngộ độc

Bạch Dương Thứ ba, ngày 23/06/2020 10:44 AM (GMT+7)
10 người trong cùng một gia đình đi ăn hải sản, 8 người có triệu chứng ngộ độc, trong đó 3 người đã phải nhập viện.
Bình luận 0
Ăn cá mó biển, 3 người trong cùng gia đình nhập viện vì ngộ độc - Ảnh 1.

BS Ngát đang kiểm tra sức khỏe của anh H.

BS Nguyễn Thị Ngát, khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc sau khi ăn hải sản.

Bệnh nhân nam tên N.T.H (sinh 1981, ngụ quận 2 TP.HCM) nhập viện trong tình trạng mệt, đau cơ sau khi ăn hải sản cùng gia đình khoảng 6 tiếng. Khám cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân có tình trạng hủy cơ rất nhiều. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân có thể bị ngộ độc chất độc palytoxin có trong hải sản gây nên tình trạng hủy cơ. Nếu lượng chất độc này nhiều có thể sẽ gây suy thận, suy đa cơ quan.

Khoa Bệnh nhiệt đới đã hội chẩn với Khoa Nội thận và quyết định cho bệnh nhân lọc thận để loại bỏ bớt chất độc. Sau khi lọc thận, ghi nhận bệnh nhân sinh hiệu ổn, hết đau cơ, tiếp tục theo dõi tình trạng thải chất độc.

Bệnh nhân còn lại là nữ tên T.T.T.H (sinh năm 1960) nhập viện cùng bệnh nhân N.T.H với cùng triệu chứng nhưng tình trạng nhẹ hơn.

Nằm trên giường bệnh, anh N.T.H cho biết, gia đình 10 người của anh đã đi ăn nhà hàng món ăn cá mó vẹt biển với phần đầu khoảng 4kg, bộ lòng ruột cá hấp xì dầu và một ít thịt cá để nấu lẩu. Sau khi ăn tối, đến đêm anh bắt đầu thấy nhức mỏi cổ, sau đó lan xuống vai, tay, vùng thắt lưng, ngực đau thắt, khó thở, vã mồ hồi nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Theo anh H, 8 người cùng ăn trong bữa tối đó có tình trạng nhức, đau cơ nhưng chỉ có anh và mẹ vợ nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, một người chú nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong đó anh bị nặng nhất. Những người khác bị nhẹ hơn nên ở nhà theo dõi.

BS Nguyễn Thị Ngát cho biết, cá mó biển bản thân không có chất độc, nhưng khi cá mó ăn các vi sinh vật hoặc cá nhỏ sống tại các rạn san hô, có thể sẽ nhiễm độc từ các vi sinh vật này. Chất độc palytoxin thường tích tụ trong nội tạng (gan, ruột, buồng trừng), da của cá và không bị phân hủy kể cả khi đã nấu chín.

Bác sĩ khuyến cáo người dân khi ăn cá mó biển nên tránh các con cá nhiều màu sắc, trọng lượng lớn từ 1,5kg trở lên. Sau khi ăn nếu có các triệu chứng như đau bụng, nôn ói, tê bì tay chân, đau nhức cơ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị khoảng 15 - 20 ca ngộ độc hải sản, trong đó có nhiều trường hợp ngộ độc nặng do chất độc ảnh hưởng đến thần kinh vì ăn cá nóc, con so (nhầm lẫn với con sam)…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem