Ăn cà: Món khoái khẩu nhưng dễ trở thành "thuốc độc"
Ba kiểu ăn loại quả khoái khẩu trong mâm cơm nhưng dễ trở thành "thuốc độc"
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 15/03/2023 13:00 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm cho biết, có 3 cách ăn cà mà không ít người không biết rằng dễ rước hoạ vào thân.
Từ lâu, đặc biệt vào những ngày hè, cà pháo là món ăn dân dã với người dân Việt Nam. Thay vì ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt cá mọi người thích ăn cơm canh cùng cà pháo ngon miệng hơn. Đây cũng là món ăn gợi nhớ quê hương của nhiều người.
Tuy nhiên, từ xa xưa các cụ cũng đã có câu nhắn nhủ về tính độc khi ăn cà như: "Một quả cà, ba thang thuốc". Vậy, ăn cà liệu có độc hay không?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, câu nói "một quả cà, ba thang thuốc" không đúng khi cà đã nấu chín. Tuy nhiên, ăn cà xanh thì chắc chắn có độc. Theo ông Thịnh, trong quả cà sống có solanin có thể gây ngộ độc. Chất này giống như chất độc trong mầm xanh củ khoai tây.
"Hiện nay có 3 cách ăn sai cà thường gặp sẽ biến cà thành thuốc độc cần phải chú ý như, thứ nhất, ăn cà muối xổi. Do cà muối xổi vẫn còn chất solanine gây độc cho cơ thể. Ăn cà xổi khi vẫn còn vị cay và hăng nồng thường hàm lượng nitrat bị chuyển hóa thành nitrit do vi sinh vật có trong nước dưa cà muối tác động, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thứ hai, ăn cà muối quá nhiều, điều này cũng không tốt cho sức khỏe do cà muối thường mặn, việc ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới huyết áp và tim mạch. Ăn quá mặn kéo dài còn có liên quan tới nguy cơ mắc các căn bệnh ung thư đường tiêu hoá", ông Thịnh nhấn mạnh.
Thứ 3, chuyên gia thực phẩm này cho hay, ăn cà muối trong thùng sơn, đồ nhựa tái chế cũng rất độc hại cho sức khoẻ. Thùng sơn khi tận dụng vẫn còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi... từ sơn. Do vậy, muối dưa trong thùng sơn là mối hiểm họa rất lớn cho sức khỏe, bởi dụng cụ không đảm bảo dưới tác động của acid, muối sẽ thôi nhiễm ra, ngấm ngược vào thực phẩm rất nguy hiểm.
Còn theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cà pháo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, nhuận tràng. Y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, trong 100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (có đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 22,1mg kali, 0,3mg kẽm.
Đồng quan điểm với PGS Thịnh, nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết, cà xanh có chất độc solanin với liều lượng từ 2 - 5mg/kg thể trọng có thể gây triệu chứng ngộ độc và liều lượng từ 3 - 6mg/kg thể trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
"Triệu chứng ngộ độc solanine thường xuất hiện trong vòng 8 - 12 giờ sau khi tiêu thụ thức ăn, nhưng cũng có thể diễn ra trong vòng 30 phút khi nạp thức ăn có hàm lượng solanin cao. Hiện nay, ở một số nơi mọi người vẫn còn thói quen ăn cà xanh muối xổi (trộn gia vị ăn trong ngày), điều này là không an toàn và có thế gây nguy hại. Vì cà muối xổi chưa được lên men, chưa đủ độ chua dễ gây ngộ độc", lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Để ăn cà tốt cho sức khoẻ, chuyên gia công nghệ thực phẩm khuyên nên ăn cà đúng vụ; không ăn cà muối xổi, cà sống; lhông ăn quá nhiều cà muối; không ăn cà muối có hiện tượng bị khú, nổi váng trắng; không ăn cà muối trong các thùng sơn. Nên ăn cà ở mức vừa phải để lấy hương vị quê hương mà không gây hại cho sức khoẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.