“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Thứ hai, ngày 26/07/2010 14:18 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở Thanh Hưng bây giờ đã có những ngôi nhà tầng mọc lên, đó là nhà của những chủ trầm và một vài người “đi điệu” may mắn “trúng số”. Còn lại là bao nhiêu người đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xuống rừng sâu, nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay…
Bình luận 0
img
Ngôi nhà lầu của một “chủ trầm” ở Thanh Hưng.

Ngồi mát ăn bát vàng

Những ngôi nhà lầu khang trang, đường bệ của các “chủ trầm” ở Thanh Hưng (Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đều kín cổng cao tường. Ngoài các “điệu”, khó ai có thể tiếp cận được. Theo các “điệu”, những năm trước, rừng còn nhiều trầm, những người đi “điệu” ở Thanh Hưng cũng trúng được khá nhiều. Được bao nhiêu, các “chủ trầm” ở đây bao tiêu hết. Giá cả thì không biết đường nào mà lần, chủ yếu do các “chủ trầm” định đoạt.

“Cả đời chỉ biết đi tìm trầm thôi, chứ giá của nó thì mình có định đoạt được mô. Cứ lần sau họ mua đắt hơn một vài triệu là mừng húm rồi. Vả lại nếu được trầm mà bỏ trong nhà thì cũng chẳng khác chi bỏ bom nổ chậm nên cứ bán thốc, bán tháo đi cho rồi” - một “điệu” thật thà cho biết.

Anh Nguyễn Văn Định - một “điệu” đã có 14 năm trong nghề đi trầm nhưng cũng không biết bao nhiều lần bán giá hời cho thương lái. “Đã gần 5 năm rồi mà đến chừ tui vẫn còn tức anh ách. Lần đó, tui và anh Khánh (anh rể), hai anh em trúng được một gốc dó rục (ở vùng rừng nước Lào). Đem về đến nhà, một chủ trầm đến trả và mua với giá 300 triệu đồng, nhưng chỉ hôm sau chủ trầm đó đã bán cho một nhà buôn lớn từ Vinh vào với giá 800 triệu đồng, anh em tui vừa tức vừa tiếc của nhưng biết làm chi họ…” – anh Định kể.

“Người săn trầm luôn bị lái ăn phân nửa, có khi còn nhiều hơn”, không chỉ giới “điệu”, nhiều người biết việc cũng nói thế. Có lẽ những người trúng trầm trước đó sẽ không biết mình đã bán rẻ - cũng có nghĩa là đã mất đi một số lớn tiền - nếu thông tin sau đó không rò rỉ, và ở nhiều nơi giá trầm được bán công khai với giá gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, theo một số chủ trầm thì cũng chỉ mấy năm trước họ còn kiếm được chút ít chứ bây giờ thì lời lãi chẳng được bao nhiêu.

Bà Nguyễn Thị Lợi - một “chủ trầm” người Huế có mặt trên đất Thanh Hưng gần 20 năm cho biết: Những người được trầm nay cứ giảm dần, mà chỉ còn toàn hàng xấu, trầm vụn. Trầm kỳ chỉ năm thì mười họa mới có một người trúng, chủ yếu họ trúng trầm hương loại 4, loại 5, còn loại 1, loại 2 và loại 3 ngày càng thưa vắng dần…

Chỉ còn nỗi đau

Trái ngược với những căn nhà lầu của các “chủ trầm”, ở Thanh Hưng nhiều người “đi điệu” cả cuộc đời mà chẳng cất nổi một ngôi nhà để ở. “Đi tìm trầm vừa kiếm cơm vừa kiếm cơ hội thoát nghèo, may nữa là giàu lên. Nhưng khó quá! Nói thiệt, ngoài một số chuyến “chạy gió” - làm không ra, còn lại chuyến nào cũng kiếm ra trầm nhưng không nhiều. Trầm vụn, lái mua rẻ mấy cũng đành bán, làm răng khá tiền được” - ông Trần Quốc Kiếm ở thôn Thanh Hưng nói như phân trần cho nỗi khó nghèo của mình.

Những cơn sốt rét rừng dai dẳng mà không người săn trầm nào không mắc phải đã làm họ suy nhược lâu dài. Khi may mắn trở về nhà, những gì họ mang về không phải là kỳ mà là “cái tủ lạnh” - bệnh sốt rét, sẽ hành hạ họ và vợ con suốt cuộc đời còn lại.

Gần cả đời người theo nghiệp nhưng đến bây giờ ông Kiếm vẫn ở mái nhà tạm, phên vách lỗ chỗ. Ông nói hơn 25 năm bám riết núi rừng, vậy mà chưa lúc nào kiếm được 3-4 triệu đồng một chuyến. Cũng tình cảnh như ông Kiếm, nhìn mái nhà tạm bợ bên mép sông Son, ít ai nghĩ anh Trương Tám là dân “điệu”. 41 tuổi đời với 25 năm lùng sục núi rừng, với anh Tám là một con số không. “Đổ hết sức lực vào trầm. Chừ thì...”, anh bỏ lửng câu nói nhưng nước mắt cứ ứa ra. Như bi kịch nối dài, hầu hết những người săn trầm không gặp vận đều có sức khỏe sa sút. “Không tiền lấy chi bồi bổ” - nhiều “điệu” thật lòng.

Đau đớn hơn là người vợ, những đứa con thơ và cha mẹ già của những người đã bỏ mạng lại giữa rừng sâu vì trầm. Ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng của chị Nguyễn Thị H được xây vào năm 1999, bây giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Năm đó, sau khi trúng được đợt trầm, chồng chị là anh Trần Thanh H đã xây ngôi nhà này cho mẹ con chị. Nhà xây lên chưa kịp hoàn thiện thì hết tiền. Gác lại việc xây nhà, anh H đóng cùi lên rừng với ước nguyện kiếm tiền về hoàn thiện ngôi nhà. Anh H đi được hơn 1 tháng thì chị ở nhà nghe tin dữ: Nhóm “đi điệu” của anh đã bị bọn mẹo bắn chết tại một khu rừng bên đất Lào. Anh chết để lại cho chị 3 con nhỏ trong căn nhà trống không. Mà ở Thanh Hưng những trường hợp như gia đình chị H phải lên đến hàng chục người.

Thật khó để kể hết những gian nan của người đi tìm trầm. Có lẽ trong câu nói xa xưa “ngậm ngải tìm trầm” đã ngầm nói có mồ hôi, nước mắt, máu xương của người đi tìm của báu chốn sơn lâm. Đúng là ăn của rừng thì rưng rưng nước mắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem