Ấn Độ ra sức củng cố thêm vây cánh để chống Trung Quốc

Minh Nhật Thứ hai, ngày 22/06/2020 16:00 PM (GMT+7)
Sau cuộc đụng độ biên giới chết chóc với binh lính Trung Quốc, Ấn Độ rất có thể nỗ lực tăng cường thế lực bằng cách mở rộng hơn nữa hợp tác quân sự với Mỹ và các đồng minh của Mỹ để chống Trung Quốc, các nhà phân tích nói với tờ Wall Street Journal.
Bình luận 0
Ấn Độ ra sức củng cố thêm vây cánh để chống Trung Quốc  - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump

"Ấn Độ sẽ cố gắng tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và những bằng hữu khác cũng muốn thách thức Trung Quốc", ông Manoj Joshi, một thành viên nổi tiếng của Tổ chức nghiên cứu quan sát viên có trụ sở tại New Delhi bình luận.

"Ấn Độ sẽ đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao với các nước cùng chí hướng như Mỹ, Anh, Úc và Nhật Bản", ông Joshi nói thêm.

Các ví dụ về mối quan hệ ngày càng tăng của Ấn Độ với phương Tây trong những năm gần đây là các cuộc tập trận hải quân chung với Nhật Bản và Mỹ ở Ấn Độ Dương. Đặc biệt, chỉ tháng trước, New Delhi đã ký kết thỏa thuận với Úc cho phép hai quốc gia tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau.

Ngoài ra, Ấn Độ trong những năm gần đây đã ký các thỏa thuận lớn với Mỹ cho phép New Delhi mua thêm nhiều loại thiết bị quân sự của Mỹ, cũng như tham gia vào các hoạt động chung.

Ấn Độ đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn, theo các nhà phân tích, vì Bắc Kinh thường cảnh báo New Delhi không tham gia vào các nỗ lực ngoại giao và quân sự mà Trung Quốc coi là nhằm mục đích kiềm chế sức mạnh của họ.

Ông Ashley Tellis, cựu quan chức an ninh cấp cao trong chính quyền George W. Bush và là nhà phân tích của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho rằng, áp lực buộc chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải phản ứng với Trung Quốc sẽ thực sự rất lớn. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ khó lòng có thể chọn lựa cách trả đũa trực tiếp vì điều này có nguy cơ đẩy New Delhi vào một cuộc chiến tranh với một đội quân có ngân sách lớn hơn họ gần bốn lần.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ gần đây bùng lên mạnh mẽ, đặc biệt là sau vụ ẩu đả hôm 15/6 khiến hàng chục binh sĩ 2 nước thương vong.

Khu vực xảy ra vụ ẩu đả có địa hình khắc nghiệt, độ cao lớn và dân cư thưa thớt chạy qua vùng Ladakh, giáp khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, nơi đa phần dân cư theo đạo Phật và là địa điểm du lịch nổi tiếng.

LAC phân chia lãnh thổ do Ấn Độ và Trung Quốc kiểm soát, song hai nước tiếp tục tranh cãi vị trí chính xác của đường phân giới này. Nỗ lực phân định LAC của Ấn Độ và Trung Quốc bị đình trệ suốt hai thập kỷ qua. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 90.000 km2 ở phía đông Himalaya và 38.000 km2 ở phía tây dãy núi. Cả hai khu vực đều trong tranh chấp với Ấn Độ.

Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ của mình bằng cách quân sự hóa mạnh khu vực. Hai nước này xây dựng các tuyến đường, sân bay, tiền đồn cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác như đường dây điện thoại. Các đội tuần tra của Ấn Độ và Trung Quốc thường xuyên đi dọc đường biên giới tranh chấp.

Hai nước trong những tuần gần đây tìm cách xuống thang căng thẳng. Tuy nhiên, vụ ẩu đả gây chết người hôm 15/6 khiến tình hình trở nên phức tạp và bấp bênh hơn trước dấy lên nguy cơ chiến tranh biên giới bùng nổ giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ở châu Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem