Viên cảnh sát "tung chưởng" đá bay chiếc máy đánh chữ - "cần câu cơm" của cụ ông đánh máy dạo.
Theo tờ South China Morning Post, những bức ảnh mô tả cảnh một viên cảnh sát hung hăng đá nát chiếc máy chữ - đồ nghề "kiếm cơm" của cụ ông Kishan Kumar, làm nghề đánh máy dạo ở thành phố Lucknow, phía Bắc Ấn Độ đang được chia sẻ rộng rãi và thu hút sự chú ý của cư dân mạng Ấn Độ.
Trong khi dư luận bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với tình cảnh của cụ Kishan Kumar, viên cảnh sát bị chỉ trích gay gắt bởi những hành động hung hăng. Vẻ sợ hãi và buồn bã hằn lên trên gương mặt khắc khổ của cụ ông đã ở tuổi lục tuần vẫn phải bươn chải kiếm sống trên hè phố đã làm lay động trái tim hàng triệu người Ấn Độ.
Cụ ông đánh máy dạo đứng từ xa, với vẻ lo lắng, sợ hãi, chắp tay cầu xin viên cảnh sát hãy dừng lại.
Theo đó, dư luận đã lên tiếng yêu cầu giới chức trách địa phương phải nhanh chóng có hình thức trừng phạt viên cảnh sát đã quấy rối cụ ông Kishan Kumar. Trước áp lực quá lớn từ dư luận, chính quyền địa phương nhanh chóng đình chỉ viên sĩ quan cảnh sát đã phá hoại máy đánh chữ của cụ ông Kishan Kumar và hứa hẹn sẽ bồi thường cho ông 100,000 rupee (tương đương 1.500 USD) cũng như một máy đánh chữ mới.
Cụ ông đánh máy dạo Ấn Độ buồn bã ngồi bên chiếc máy chữ bị viên cảnh sát đá tan nát.
Ngoài ra, sau khi gặp rắc rối với cảnh sát xảy ra vào hôm thứ Bảy (19.9), cụ ông Kishan Kumar bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Không chỉ có rất nhiều người tìm đến hỏi thăm cụ ông hàng ngày mà phóng viên, nhà báo cũng lũ lượt tìm đến để phỏng vấn cụ khiến cụ không thể làm việc.
Cụ ông Kishan Kumar buồn bã chia sẻ, cụ đã "chán ngấy" sự nổi tiếng chớp nhoáng và chỉ muốn quay trở lại cuộc sống bình thường trước đây để còn lao động kiếm tiền.
"Tôi không thể làm việc vì có quá nhiều người vây quanh mình. Tôi đã không kiếm được xu nào trong suốt 2 ngày qua. Tôi không biết sẽ lấy gì nuôi gia đình khi mà tôi không thể kiếm được xu nào. Tôi ngồi đây để làm việc, chứ không phải để trả lời phỏng vấn báo chí", cụ ông đánh máy dạo chia sẻ trong khi ngồi trên vỉa hè bưu điện Lucknow - nơi "kiếm khách" quen thuộc của ông.
Ngoài ra, cụ ông còn cho biết, sau vụ rắc rối với cảnh sát, ông còn liên tiếp bị đe dọa nặc danh.
"Tôi đã nhận được một vài cuộc gọi yêu cầu tiết lộ chi tiết tài khoản ngân hàng của tôi... (nhưng) tôi chưa nhận được tiền từ bất cứ ai", cụ ông buồn bã nói.
Dù máy đánh chữ đã không còn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới, song ở Ấn Độ, những người đánh máy dạo ngồi "kiếm cơm" trên hè phố vẫn là cảnh tượng thường thấy.
Với những chiếc máy chữ cũ kỹ, những người đánh máy dạo giúp khách hàng làm các loại đơn đề nghị, đơn kiện, giấy thông báo hoặc sao chép các loại giấy tờ, tài liệu khác. Giá mỗi trang văn bản thường khoảng 10 rupee.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.