Ảnh chụp tại Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ
“Chúng tôi đang nghiên cứu một số công nghệ như vũ khí năng lượng định hướng (DEWs), laser, xung điện từ (EMP) và vũ khí đồng quỹ đạo”, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) Ấn Độ, Tiến sĩ Seditesh Reddy, nói tại cuộc họp báo ngày 6.4.
Reddy nhấn mạnh rằng Ấn Độ đã đạt được “khả năng răn đe mới” tương đương Mỹ, Nga và Trung Quốc. Reddy cũng chia sẻ chi tiết và kết quả của cuộc thử nghiệm chống vệ tinh mà Ấn Độ tiến hành ngày 27.3.
Trong vụ thử nghiệm có tên Shakhti (nghĩa là “sức mạnh” trong tiếng Hindi), tên lửa đánh chặn ba giai đoạn đã bay trúng một vệ tinh Mmicrosat-R trên quỹ đạo 283 km, Tiến sĩ Reddy nói.
Nếu có nhu cầu, Ấn Độ hiện có thể nhắm vào nhiều vệ tinh của kẻ thù, bao gồm cả những vệ tinh dùng cho mục đích quân sự, ở quỹ đạo dưới 1.000km, ông nói.
“Không gian ngày càng quan trọng trong lĩnh vực quân sự. Cách tốt nhất để đảm bảo an ninh là có khả năng răn đe”, Tiến sĩ Reddy nói.
Người đứng đầu DRDO cũng ám chỉ rằng với nhiều hệ thống vũ khí không gian tiềm năng đang được phát triển, chính phủ Ấn Độ có thể sẽ sớm thành lập Bộ chỉ huy quân sự hàng không vũ trụ.
Kiên quyết bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ cho rằng cuộc thử nghiệm hôm 27.3 tạo ra rất nhiều mảnh vỡ trong không gian gây nguy hiểm, Reddy nhấn mạnh rằng Ấn Độ đã thử nghiệm với sự thận trọng tối đa.
“Một số mảnh vỡ đã bị phân hủy. Mô phỏng của chúng tôi cho thấy tất cả các mảnh vỡ sẽ phân hủy trong 45 ngày”, ông nói.
“Quỹ đạo Trái đất thấp được chọn dựa trên mô phỏng, với mục tiêu chính là giảm thiểu các mảnh vỡ. Vụ thử nghiệm được thực hiện một cách có chủ ý ở độ cao 280 km để các mảnh vỡ phân hủy nhanh”, ông Reddy giải thích.
Việc Ấn Độ bắn hạ vệ tinh cũ của mình có thể gây ra hậu quả tai hại không lường trước được, NASA cảnh báo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.