Trên cơ sở hoạt động mô hình câu lạc bộ nông dân, mô hình Hội quán ra đời; đến nay toàn huyện Chợ Mới đã thành lập được 18 Hội quán với nhiều tên gọi khác nhau như: Hội quán GAP Cù Lao Giêng, Hội quán làm vườn, Hội quán trồng rau an toàn, Hội quán trồng hoa kiểng… Các Hội quán có tổng số 563 thành viên là hội viên, nông dân tham gia. Trong quá trình hoạt động, số thành viên ngày càng tăng dần. Mô hình đã tập hợp được nhiều nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất.
Nhiều nông dân trồng rau an toàn trong nhà lưới ở xã Long Giang (Chợ Mới) có nhu cầu tham gia Hội quán. Ảnh: T.S
Hội quán là một hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mô hình hiệu quả, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật những thông tin về giá cả thị trường.
Bên cạnh đó, Hội quán còn là nơi để các nhà khoa học, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với nông dân, khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao sản xuất, hướng dẫn nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản; đồng thời còn là kênh trao đổi giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể, qua đó giúp hội viên, nông dân nắm bắt, tiếp cận thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hầu hết các Hội quán ở tỉnh An Giang được thành lập đều xây dựng ít nhất một thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Do đó, hoạt động của từng Hội quán đều mang tính đặc thù riêng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển địa phương.
Hội quán tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như: Làm vườn, trồng rau an toàn, hoa kiểng, cam, bưởi, xoài… hướng tới sản xuất hàng hóa lớn, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ hàng hóa nông sản theo định hướng phát triển của tỉnh. Mỗi Hội quán đều có lịch sinh hoạt định kỳ (2 tuần hoặc 1 tháng/lần) thu hút đông đảo lực lượng hội viên - nông dân tham gia.
Qua thời gian hoạt động, mô hình Hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Ngoài ra, Hội quán giúp nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống, hàng hóa sản xuất không thương hiệu, giá cả không ổn định; từ đó mạnh dạn cùng nhau liên kết sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, sản xuất theo hướng công nghệ cao, hướng tới sản xuất sạch, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thông qua Hội quán, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm giảm thiểu rủi ro, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp nông dân ổn định cuộc sống, bắt kịp xu thế hội nhập hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.