An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật

Hồng Cẩm Thứ sáu, ngày 28/06/2024 15:23 PM (GMT+7)
Ngày 28/6, tại TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm: "Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật".
Bình luận 0

Đại tá Ngô Anh Thu - Phó Tổng biên tập Báo QĐND cho biết, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của các cơ quan, đơn vị. Đây là bước đầu tiên của quá trình hình thành ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 1.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, Bộ Quốc phòng đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nội dung Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng QĐND tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027" (gọi tắt là Đề án 1371) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của các cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng bài bản và đi vào nền nếp; ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân ngày càng được nâng cao.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 3.

Đại tá Ngô Anh Thu - Phó Tổng Biên tập Báo QĐND phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức gần 1.000 lượt đơn vị làm điểm về PBGDPL bằng hình thức sân khấu hóa trong "Ngày Pháp luật" để rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn quân; tổ chức hơn 600 buổi hội thảo, tọa đàm về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biên phòng Việt Nam và các nghị định, thông tư liên quan đến quân sự, quốc phòng; biên tập, phát hành gần 178.900 bộ (4 đĩa) các tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật; 400.000 cuốn tài liệu PBGDPL; 40.000 cuốn sách "Văn bản PBGDPL và nghiệp vụ PBGDPL"; 85.500 cuốn tài liệu "Kỹ năng PBGDPL cho nhân dân"; 770.000 tờ gấp pháp luật; 220 đầu sách pháp luật cấp cho các cơ quan, đơn vị; tập huấn cho hơn 10.000 lượt báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; phát hành 170 bản tin pháp luật; tổ chức 13 lần "Ngày hội Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông"...

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 4.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh: PV

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang cho biết, An Giang là địa bàn có đường biên giới dài khoảng 100km, tiếp giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới. Trong năm qua, được sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân trên khu vực biên giới ngày càng cải thiện và nâng cao. 

Tuy nhiên, một bộ phận đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày, nên chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu pháp luật, mặt khác trình độ nhận thức của người dân khu vực biên giới không đồng đều.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 5.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: PV

Trong những năm qua dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị BĐBP và Hội đồng PBGDPL tỉnh An Giang, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL tại đơn vị và trên địa bàn khu vực biên giới. Đặc biệt là, triển khai hiệu quả Đề án tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2013-2016 và giai đoạn 2017-2021, được cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp trên đánh giá cao.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nêu lên những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại đơn vị; đồng thời nêu lên những kết quả nổi bật, với những mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã triển khai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh An Giang như: tuyên truyền, phổ biến qua mạng internet, mạng Misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử; giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa - văn nghệ; "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân"; "Mỗi tuần một điều luật", "Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật", Tủ sách pháp luật,... đã phát huy tác dụng ở nhiều đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

An Giang: Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật- Ảnh 6.

Tuyên truyền PBGDPL góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Ảnh: PV

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đến từ Sở Tư pháp; Ban, ngành, đoàn thể, tôn giáo, chức sắc trên địa bàn tỉnh An Giang đã làm rõ thêm về những mô hình, cách làm, giải pháp của cơ quan chức năng trong triển khai các kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn, nhất là những địa bàn "nóng" về tội phạm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy và các loại tội phạm khác. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để công tác phối hợp tuyên truyền giữa các đơn vị đảm bảo thống nhất, đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem