An Giang: Mùa nước nổi, nghề "hạ bạc" thả lưới dính đầy cá linh

Chủ nhật, ngày 30/09/2018 06:45 AM (GMT+7)
Năm nay, miền Tây lũ lớn nên nhiều sản vật mùa nước nổi như: cá, tôm, cua, ốc, rắn… về theo con nước. Miền Tây mùa nước nổi là cơ hội để ngư dân vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu, tỉnh An Giang tranh thủ kiếm thêm thu nhập từ việc đánh bắt cá tôm tới hái rau đồng. Những tay lưới thả trên đồng nước nổi dính đầy cá linh...
Bình luận 0

Anh Cang (xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) khoe: “Gần chục năm nay mới có lũ lớn. Nhà tôi nằm trong khu dân cư nên không bị ảnh hưởng. Tận dụng cánh đồng xả lũ, hàng ngày tôi thả lưới cá chạch, cá linh để có thêm thu nhập. Tôm, cá mùa lũ năm nay rất nhiều nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả”.

Không chỉ có người dân địa phương tỉnh An Giang mà ngư dân từ Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang cũng tìm về vùng đầu nguồn để tranh thủ làm ăn mùa nước nổi. Từ hơn 1 tháng trước, nhiều “ghe tam bản”, xuồng mui đã bắt đầu thả lưới, giăng câu trên các cánh đồng biên giới.

img

Người dân vùng lũ miền Tây phấn khởi với những mẻ lưới dính đầy cá linh. Ảnh: H.HUYNH

Anh Phan Cao Sang (ngụ Hậu Giang) vui vẻ cho biết: “Cha, mẹ đặt tên “Cao Sang” nhưng mình gắn với nghề “hạ bạc” hơn chục năm rồi. Tranh thủ năm nay lũ lớn nên theo anh, em lên biên giới đánh bắt cá, tôm. Cả đoàn đi 5 người trên 5 chiếc xuồng mui. Cá, tôm bắt được mỗi ngày bán cho các chợ biên giới tỉnh An Giang. Tối thì anh em đậu xuồng quây quần với nhau nghỉ ngơi, khoảng 1 tuần mới về nhà. Năm nay tôm, cá nhiều nên thu hoạch cũng khấm khá”.

Mùa nước nổi, đồng bông súng ở xã Nhơn Hội, Phú Hội, huyện An Phú (An Giang) cũng tất bật với nhiều hoạt động sinh kế của người dân. Do đây là vùng ngoài đê bao nên nhiều nơi ngập sâu 2 - 3m nước. Bông súng là loài thích nghi với đồng sâu nên sinh trưởng rất nhanh, nước lên tới đâu là bông lên theo tới đó.

Chị Hương (xã Phú Hội) cho biết: “Tranh thủ buổi sáng ra đồng nhổ bông súng để kịp bán buổi chợ sáng. Nhờ nước sâu nên cọng bông súng dài, rất mau đầy búng (khoảng 10 bông). Chỉ buổi sáng cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhờ mùa nước nổi mà người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”. 

Những sản vật mùa lũ sau khi đánh bắt được cân cho các vựa để phân phối tới các phiên chợ. Cùng với đó là các loại rau đồng, như: bông súng, bông điên điển, ngó sen, lá sen non… cũng góp mặt ở chợ, làm cho đặc sản mùa lũ thêm phong phú.

Trong thời buổi công nghiệp, món gì gắn mác chữ “đồng” đều được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, nào là: cá đồng, cua đồng, tép đồng, chuột đồng, rau đồng… Hễ có chữ “đồng” dù được bán giá cao gấp đôi, gấp ba cũng được người mua chấp nhận. Bởi vậy, những phiên chợ “quê” nhưng “không quê” chút nào, ngược lại là những phiên chợ rất đáng để tìm về.

Hữu Huynh (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem