An Giang xây dựng nông thôn mới: Thay đổi từ những vùng quê!
An Giang xây dựng nông thôn mới: Thay đổi từ những vùng quê!
Hồng Cẩm
Chủ nhật, ngày 20/09/2020 19:08 PM (GMT+7)
Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010-2020 tỉnh An Giang là một trong hai tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL. Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành sớm một năm so với Nghị quyết đã đề ra.
Những ngày ngày, về TP.Châu Đốc ai cũng có thể cảm nhận được sự đổi mới ở thành phố vùng biên giới này. Ở các vùng quê ngày nào từng rất khó khăn, nay như khoác lên mình chiếc áo mới, đặc biệt là ở hai xã NTM Vĩnh Châu và Vĩnh Tế.
Tháng 1/2019 TP.Châu Đốc chính thức đón nhận Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh An Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Năm 2011, TP.Châu Đốc bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM và 2 xã Vĩnh Châu và Vĩnh Tế lúc này có xuất phát điểm rất thấp, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của TP. Châu Đốc, cùng với sự nỗ lực tích cực và đồng thuận của chính quyền và người dân, liên tiếp năm 2013 xã Vĩnh Châu và năm 2014 xã Vĩnh Tế được công nhận đạt chuẩn NTM.
Sau 7 năm được công nhận xã NTM, đến nay, xã Vĩnh Châu đã khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một xã khó khăn đến nay, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, rõ nét, đó là: Các tuyến giao thông ấp liền ấp, xã liền xã, xe 2 bánh đi lại dễ dàng và xe ô tô về đến trung tâm xã, đường giao thông nội đồng được cứng hóa đạt trên 90% tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng, giá trị sản xuất, thu nhập đời sống người nông dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, qua thống kê đến tháng 11-2018 thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 42,37 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,45% giảm 4,28% so với năm 2011.
Ông Lữ Anh Đào- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu chia sẻ: "Từ một xã khó khăn của TP.Châu Đốc ngày nào, giờ đã có những đổi thay mạnh mẽ, với những khu dân cư nhộn nhịp; trường học, điện, nước sạch, nhà ở dân cư... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tất cả là nhờ vào phong trào thi đua xây dựng NTM mà địa phương mới có được như ngày hôm nay".
Phấn đấu không ngừng nghỉ:
Ông Trần Anh Thư- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh An Giang xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nên phong trào xây dựng NTM ở An Giang có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Kết quả hơn 10 năm xây dựng NTM có thể nói đây mới là thành công bước đầu trong xây dựng NTM ở An Giang, là tổng hợp từ các yếu tố quyết tâm, vượt khó và sáng tạo.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh khuyến khích địa phương và người dân tự thực hiện các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản như đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, xử lý nước thải và đóng lấp các bãi rác... nhằm tiết kiệm chi phí. Giai đoạn 2010 – 2019 toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn gần 14.789 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Qua đó, phát huy tinh thần tự nguyện, sức sáng tạo của người dân, tính cộng đồng trong xây dựng NTM. Nhiều đội xây cầu, xây nhà từ thiện ra đời, tự thi công và giám sát lẫn nhau, vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa giảm chi phí.
Ông Thư cho biết thêm, để thúc đẩy NTM, UBND tỉnh đã chỉ đạo cân đối nguồn ngân sách và động viên, khen thưởng những điển hình, mô hình hay trong xây dựng NTM cũng được thực hiện thường xuyên, tạo niềm khích lệ trong cộng đồng.
Xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh, cùng với nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM ở các xã còn lại, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020 với 19 tiêu chí và 35 chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020 đạt 14 xã NTM nâng cao. Đồng thời, triển khai Bộ tiêu chí "ấp NTM" (UBND tỉnh chọn 26 ấp điểm tại các các xã đặc biệt khó khăn, biên giới để hỗ trợ xây dựng" đến năm 2020) và xây dựng xã NTM kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết: "Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong thời gian tới tỉnh tích cực đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để hướng đến mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là tăng thu nhập cho bà con nông dân, cải thiện chất lượng cuộc sống".
"Tính đến nay toàn tỉnh An Giang có 1 huyện NTM (Thoại Sơn), 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Có 61/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 51,26%); có 6 xã đạt 15-18 tiêu chí, 48 xã đạt 10-14 tiêu chí và 4 xã đạt 9 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã", không có xã dưới 9 tiêu chí.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.