Hiện hữu nhiều nguy cơ
Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ngoài nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của BĐKH, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm...
Nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… Ảnh: T.T
Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang là chuyện “nhãn tiền” ở khắp nơi và ngày một nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sản xuất. “Thủ phạm” gây ô nhiễm chính là nguồn nước thải khổng lồ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu không ngừng đổ vào các sông, hồ từ các đô thị, cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, bệnh viện, từ khai thác khoáng sản…
|
Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130 - 150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Điều đó cho thấy, nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.
Cạnh tranh giữa sử dụng nước cho thủy điện và các nhu cầu tiêu thụ nước khác, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du, một số lưu vực sông lớn đã xảy ra trong những năm gần đây, nhất là trong mùa khô. Chất lượng môi trường nước đang kém dần đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng nghèo sống phụ thuộc nhiều vào môi trường tự nhiên...
Mặc dù, tài nguyên nước mưa dao động ở mức trung bình, nhưng tài nguyên nước mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính nước ta, như sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Srepok, sông Sê San, sông Ba, sông Vu Gia - sông Thu Bồn và một số sông khác, phổ biến thấp hơn trung bình, có nơi thấp hơn khá nhiều.
Hiện trạng suy giảm nguồn nước mặt trong mùa khô những năm qua khi Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của BĐKH đã diễn ra ở hạ lưu nhiều hồ chứa khá phổ biến ở đa số các lưu vực sông. Khan hiếm nước do nguồn nước ở hạ lưu các sông suy giảm lại bị tác động mạnh của nước thải ô nhiễm, của xâm nhập mặn làm cho việc cấp nước sinh hoạt, cho sản xuất gặp những bất trắc lớn ở hạ du các lưu vực sông trong mấy năm gần đây.
Thiếu bền vững
Để bảo đảm sự bền vững về tài nguyên nước, mức khai thác không được vượt ngưỡng 30% nguồn nước, nhưng ở hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã và đang khai thác trên 30 - 50% lượng dòng chảy. Việc khai thác quá mức nguồn nước, đặc biệt là việc xây dựng các công trình hồ chứa thủy lợi, nhất là thủy điện kiểu đường dẫn, kiểu các công trình đập chặn hoàn toàn dòng chảy sông với việc quy hoạch, xây dựng và quản lý vận hành bất hợp lý cũng là nguyên nhân làm suy giảm rõ rệt số lượng và chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Đồng Nai - sông Sài Gòn, sông Vu Gia - sông Thu Bồn, sông Ba, sông Srepok… và trên nhiều sông vừa và nhỏ khác.
Do tập quán, thói quen sản xuất, canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều nước, lại thiếu các biện pháp hợp lý giữ, trữ nước trong mùa mưa lũ để dùng dần trong mùa khô nên thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô ở nhiều nơi, có khi trên phạm vi cả nước. Việc sử dụng nước thiếu quy hoạch, chưa hiệu quả, chưa hợp lý, chưa tiết kiệm trong khi nhu cầu dùng nước ngày một tăng nhanh do phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời với việc xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm các nguồn nước càng làm giảm rõ rệt khả năng đáp ứng nhu cầu nước sạch vào mùa khô.
Khai thác, sử dụng nước phải hiệu quả, tiết kiệm, đa mục tiêu, hài hòa các lợi ích trong bối cảnh nguồn nước suy giảm do BĐKH là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang bị đe dọa, tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước đang ngày càng trầm trọng ở nhiều lưu vực sông trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của BĐKH.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.