Vụ cháy rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên kéo dài tới 8 ngày (từ 25 tháng Chạp đến 2 Tết Nguyên đán năm 2010) đã thiêu rụi 718ha rừng, thuộc các xã Tả Van, Bản Hồ (huyện Sa Pa, Lào Cai) và một số xã thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
|
Pơ mu đang phát triển tốt trên đất rừng sau hoả hoạn. |
Rừng hồi sinh…
Ông Nguyễn Xuân Đăng - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, sau khi đánh giá mức độ thiệt hại của vụ cháy rừng, Ban quản lý (BQL) Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Phòng nông nghiệp huyện Sa Pa và các ban ngành đã triển khai trồng mới 150ha, còn lại hơn 500ha trồng xen trên những diện tích ít ảnh hưởng để rừng tự tái sinh, đảm bảo sự đa dạng sinh học của rừng. Những cây được chọn trồng chủ yếu là cây bản địa như pơ mu, tống quá sủ, vối thuốc, được ươm ngay tại chân rừng Hoàng Liên.
Việc trồng phục hồi rừng được BQL Vườn Quốc gia Hoàng Liên tiến hành từ đầu tháng 10.2010, với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc nơi xảy ra cháy rừng và đã từng tham gia chữa cháy rừng. Bà con được chia thành 9 đội, được khoán và trả công theo từng công đoạn, trồng và bảo vệ, nuôi dưỡng cây non đến khi thành rừng.
"Với cách này, người dân vừa có thu nhập, vừa thấy được tầm quan trọng của rừng, sự kham khổ khi rừng bị cháy, để họ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Thời gian tới chúng tôi sẽ đưa một số người dân bản địa tham gia vào tuần tra, bảo vệ và phát hiện cháy rừng, để kịp thời đối phó khi xảy ra cháy rừng" - ông Đăng cho hay.
Anh Nguyễn Văn Năm - cán bộ Ban quản lý Dự án 661 dẫn chúng tôi đi thăm những cánh rừng bị hoả hoạn. Ngoài diện tích rừng được trồng mới đang phát triển tốt (tỷ lệ cây sống 80-85%), khu rừng trồng xen kẽ những thân cây rám lửa đen xì, cũng đang đâm chồi, nảy lộc, màu xanh đang dần lấn màu bạc của đất, màu đen của tro tàn…
Cả nhà vào hội "ăn thề" bảo vệ rừng
Ông Phạm Xuân Đăng - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: "VQG có tổng diện tích 29.485ha, hiện có 8 trạm, 6 chốt bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Trong đó 3 chốt vừa thành lập tại xã Bản Hồ, Tả Van và San Sả Hồ. Để khắc phục nạn cháy rừng, ngoài việc tuyên truyền, ký cam kết với các hộ, chúng tôi còn thành lập các hội "ăn thề" bảo vệ và phòng chống cháy rừng tại các bản! Đến nay chúng tôi đã thành lập được hàng chục hội “ăn thề".
Có tận tay trồng từng cây con, mới biết tiếc và thương rừng. Mình sẽ vận động bà con không đốt than, đốt nương làm rẫy nữa và sẽ cùng cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng.
Lý A Sủa
Lý A Sủa, ở bản Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, một trong những người tham gia trồng rừng nói: "Tết năm ngoái, cái rừng bị cháy nên cả bản không có Tết. Rừng cháy hết, mình không tìm được cái măng, cái củ mà ăn, may Nhà nước hỗ trợ chứ không thì nhà mình cũng không có Tết. Có tận tay trồng từng cây con, mới biết tiếc và thương rừng".
Anh Châu A Vá, ở xã Bản Hồ cho hay: "Nhà mình ai cũng vào hội "ăn thề" bảo vệ rừng. Trồng rừng ở đây vất vả lắm, núi dốc cao, lại nhiều đá, thời tiết lạnh nên cây phát triển chậm lắm, trồng không khéo là nó chết ngay, được cán bộ hướng dẫn bây giờ mình trồng ngon rồi".
Tuy nhiên, tại một số điểm "nóng", do vẫn còn người dân đốt nương làm rẫy ngay trong vùng đệm và vùng lõi của rừng nên nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao. "Chúng tôi rất khó khăn trong việc bảo vệ, bởi số lượng các bản nằm trong vùng lõi vẫn còn rất nhiều. Nếu không di dời được người dân ra khỏi đây, thì việc cháy rừng rất khó kiểm soát".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.