Cái duyên của lính
Lâm Văn Đời đã từng đoạt 3 giải thưởng diễn viên xuất sắc ở Hội thi “Tuyên truyền lưu động” do Sở VHTTDL và Đài Phát thanh - Truyền hình TP.Cần Thơ tổ chức trong 3 năm qua. Nếu trước đây những vai diễn của anh chủ yếu “chọc” cho khán giả cười, thì bây giờ tiếng cười mà Lâm Văn Đời mang đến được bật ra từ trái tim, vừa tình cảm, sâu sắc, vừa mang triết lý về cuộc sống…
Trung úy Lâm Văn Đời trong vai anh nuôi ở tiểu phẩm “Nổ”. Ảnh: Thế Hiển
Thế nhưng, thành công nổi bật tới với anh từ Cuộc thi “Cười xuyên Việt”. Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng, sự duyên dáng trong nghệ thuật kể chuyện cười và tấu hài (có format hoàn toàn Việt Nam) do Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Vĩnh Long tổ chức năm 2014. Và Lâm Văn Đời đến với cuộc thi này cũng khá ngẫu nhiên, trong một lần đọc được thông tin trên báo, rồi gia đình bạn bè động viên, anh quyết định tham gia với quan niệm “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chính sự tự tin, bản lĩnh của một người lính đã giúp anh vững bước tiến qua từng vòng thi. Tại cuộc thi này, trung úy Đời đã vượt qua hơn 1.200 thí sinh ở các vùng miền trên cả nước, vào đến vòng bán kết, rồi lọt vào tốp 8 người ở vòng chung kết 4.
Với khuôn mặt mà bản thân anh tự nhận là “xấu trai, già trước tuổi, không mấy ăn sân khấu”, vậy nhưng Lâm Văn Đời đã cho thấy được tài năng và sự duyên dáng của mình. Anh đã hoá thân một cách tài tình, chân thật vào vai diễn; đó là một anh nông dân thật thà, chân chất, chí thú làm ăn trong tiểu phẩm “Đừng bỏ ruộng đồng” và “Về quê”; một chiến sĩ công an với thân phận kẻ mê đề đóm trong “Động bàn đề”; hay một con sói già ngu xuẩn trong “Cô bé quàng khăn đỏ”… Nhưng có lẽ khán giả cùng Ban giám khảo ấn tượng nhất là hình ảnh một anh lính kể chuyện về những ngày còn tại ngũ trong tiểu phẩm “Chuyện của lính” và chiến sĩ nuôi quân dễ thương, vui tính trong tiểu phẩm “Nổ” của Lâm Văn Đời.
Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu - thành viên Ban giám khảo nhận xét, Lâm Văn Đời diễn rất “đời” – đó là sự chân thật, sống hết mình với vai diễn. “Tôi rất kỹ trong diễn xuất. Người khác có thể “phiêu” theo nhân vật của mình – bay bổng hoặc có cả diễn “lố” trong hành động hay lời thoại. Nhưng với tôi, khi đến với hội thi, mọi người đều biết mình là một quân nhân, bởi vậy dù hoá thân vào bất cứ nhân vật nào, tôi luôn đặt ra cho mình một điểm dừng đúng lúc, đây là nguyên tắc bất di bất dịch” - Đời quả quyết.
Có “máu văn nghệ” từ nhỏ
Lâm Văn Đời sinh ra và lớn lên ở miệt biển Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh). Hồi còn nhỏ Đời rất mê cải lương. Gánh hát nào về đều không vắng mặt anh. Đến khi học lớp 6, Lâm Văn Đời đã gầy dựng cho mình một gánh hát “hoành tráng”, đào kép là những đứa trẻ cùng xóm: “Quần áo mũ mão tự làm. Ca hát chay không chứ đâu có đờn trống gì, học lóm trên tivi được bao nhiêu đem xuống làm y chang người ta, nhưng có giống ai đâu, vậy mà vui dữ lắm” - Đời nhớ lại.
Quan điểm
Tôi bất ngờ với chất hài riêng của anh lính Lâm Văn Đời. Với công việc được cho là khô khan, mang tính khuôn khổ, anh ấy vấn có thể nghĩ ra và thổi vào các vai diễn sự trong trẻo, chân thành và hài hước.
Những năm học cấp 3, năm nào Lâm Văn Đời cũng được các bạn “giao” cho chức lớp phó văn – thể. Trong những lần nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ, khi anh bước ra sân khấu là y như rằng mọi người lại có một trận cười “bò lăn, bò ngửa”.
Nhà có đến 5 anh em, Đời là con thứ trong gia đình. Cuộc sống của người dân quê anh thời đó cơ cực lắm, gia đình của Đời cũng vậy. Học hết lớp 12, đi làm thuê cho người ta được mấy năm, anh quyết định đi bộ đội. “Mình lén lên xã đăng ký tình nguyện, khi có giấy báo trúng tuyển vậy là đi thôi, ba mẹ bật ngửa khi hay tin này” - Đời cười khi nhắc đến chuyện này.
3 năm quân ngũ, ngày vui nhất đối với Lâm Văn Đời là được đơn vị xét cho đi học lớp Trung cấp Quân khí. Hoàn thành khoá học, anh về nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn chỉ huy Pháo binh 815. Cứ ngỡ công việc này sẽ khiến anh mất đi “máu nghệ sĩ”, trái lại, Lâm Văn Đời không những trách nhiệm trong công việc mà còn luôn khát khao đem đến cho các anh em trong đơn vị tiếng cười sảng khoái sau những giờ huấn luyện, học tập căng thẳng. Đó là những dịp giao lưu văn hoá – văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa, hay các hội diễn văn nghệ quần chúng của cơ quan cấp trên tổ chức.
Tiếng cười mà Phó Bí thư Đoàn cơ sở Lâm Văn Đời mang đến cho cán bộ, chiến sĩ thật dịu dàng, đáng yêu, và bao mệt nhọc như tan biến, chỉ còn lại niềm hứng khởi với công việc. Đời cho biết: “Các anh trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn luôn tạo điều kiện để mình tham gia các hoạt động văn hoá – văn nghệ cũng như được thử sức ở những cuộc thi do thành phố tổ chức. Khi có dịp cọ xát, học hỏi mình tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm trong diễn xuất”.
Về định hướng nghề nghiệp, Lâm Văn Đời chia sẻ: “Tôi mong rằng sẽ được hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trong quân đội. Biết rằng sẽ phải phấn đấu rất nhiều, nhưng có lẽ cái nghiệp này đã ăn sâu vào máu mình rồi, được mang đến niềm vui, tiếng cười cho mọi người là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.